Hội diễn là hoạt động văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa thiết thực thể hiện quyết tâm chính trị của toàn ngành thực hiện nghiệm vụ "chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là sự kiện đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết cho anh, chị, em công nhân, người lao động trên cả nước nói riêng và cổ vũ, phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng trên toàn quốc nói chung.
Hội diễn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, khó quên. Các tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc bám sát chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; những thành tựu trên bước đường xây dựng và phát triển đất nước; ca ngợi giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Mỗi chương trình đều mang đậm bản sắc, đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền nhằm giới thiệu, lan tỏa, quảng bá cũng như những lời mời gọi bạn bè du khách gần xa về thăm quê hương mình.
Đánh giá về chất lượng chuyên môn, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cho biết, sau 3 ngày Hội diễn với sự tham gia của 26 Đoàn nghệ thuật quần chúng, biểu diễn 144 tiết mục, hơn 1.000 diễn viên tham gia bao gồm các thể loại: ca, múa, nhạc tổng hợp đã đạt kết quả tốt, nhiều tiết mục giàu sáng tạo mang tính chuyên nghiệp cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Qua đó, đã bộc lộ nhiều tài năng nghệ thuật của anh, chị em công nhân, nghệ sĩ, người lao động.
Đặc biệt, tại Hội diễn lần này có sự đóng góp lớn của các biên đạo múa từ các tác phẩm múa độc lập trong các đề tài từ sử thi, dân gian, tới đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo sự dẫn dắt từ truyền thống văn hóa cha ông đi tới hội nhập những thành tựu mới. Tiêu biểu như các tác phẩm múa: Hồn gốm; Sắc sen; Cầu mưa; Nụ cười công nhân xây dựng; Hải Phòng những ngày tháng rực lửa; Công trình mới của Bình Dương; Sương sớm xứ chè; Lửa thiêng…
Bên cạnh đó, Hội diễn năm nay có nhiều tiết mục độc tấu nhạc cụ, hòa tấu dàn nhạc dân tộc là thể loại khó như: độc tấu sáo trúc, sáo Mèo, T’rưng, đàn tính, violon… cho thấy trình độ của các nghệ sĩ có sự đầu tư có bài bản, chiều sâu. Nhiều nhạc sĩ trẻ và các ca sĩ đã có sự tìm tòi sáng tạo, trình diễn những tác phẩm viết về công cuộc đổi mới, công nghiêp hóa, hiện đại hóa tiêu biểu như: Về nghe gió kể; Liên khúc yêu sao Đắk Lắk hôm nay; Tinh hoa đại ngàn, Hào khí Bạch Đằng giang; Khát vọng Bình Dương...
Kết thúc Hội diễn, Ban tổ chức trao 11 Huy chương Vàng và 15 Huy chương Bạc cho các chương trình; 35 Huy chương Vàng và 44 Huy chương Bạc cho các tiết mục.
Nhân dịp này, 3 tập thể được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 26 tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Hội diễn Tiếng hát công nhân, người lao động được tổ chức từ ngày 6-9/7 với sự tham gia của 26 đoàn nghệ thuật đến từ 24 tỉnh, thành phố.
Gửi phản hồi
In bài viết