Diễn ra từ ngày 1 đến 3/10, Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ III là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào; tiếp tục khẳng định tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sự gắn bó thủy chung, keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; Lào - Việt Nam đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới của hai quốc gia.
Mở đầu Lễ bế mạc là chương trình văn nghệ với màn khai từ liên khúc gồm các tác phẩm: “Hà Nội - Viêng Chăn”, “Ánh mắt Chăm-pa”, “Điện Biên thành phố trẻ” do tập thể nam nữ biểu diễn. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc kết hợp với hình ảnh phim tư liệu, chương trình văn nghệ đã giới thiệu đến người xem về hình ảnh, đất nước, con người, những tiềm năng du lịch, sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng và tình đoàn kết keo sơn, chí tình, chí nghĩa sáng ngời của hai nước Việt Nam-Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Phó trưởng ban tổ chức Ngày hội cho biết, Ngày hội đã để lại nhiều ấn tượng và được các cấp chính quyền, cơ quan truyền thông và nhân dân, bạn bè quốc tế ghi nhận. Các chương trình của Ngày hội bảo đảm nội dung về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Đặc biệt, đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện được tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào. Nhiều đoàn nghệ thuật, diễn viên đến từ các tỉnh của nước bạn Lào với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc… đã đem đến cho Ngày hội bức tranh đa sắc màu của các dân tộc của hai quốc gia Việt Nam, Lào. Các đoàn nghệ thuật quần chúng một số tỉnh của hai nước đã đi giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang trên địa bàn Điện Biên. Qua đó, tôn vinh tầm vóc và giá trị đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào.
Chương trình lễ khai mạc Ngày hội bảo đảm trang trọng, bảo đảm nội dung văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, có ý nghĩa chính trị văn hoá, thắm tình đoàn kết hữu nghị hai nước Việt Nam-Lào, để lại ấn tượng tốt đẹp với đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và du khách cũng như các nghệ nhân, diễn viên của Ngày hội.
Đặc biệt, hoạt động “Liên hoan văn nghệ quần chúng” có sự tham gia của 10 đoàn Việt Nam và 6 đoàn nước bạn Lào, với hơn 60 tiết mục thể hiện được quy mô, sự công phu đầu tư về nghệ thuật, bản sắc văn hóa, sự tương đồng và những nét đặc trưng riêng của các dân tộc, các địa phương. Nhiều nghi lễ cộng đồng, nhiều tiết mục múa, âm nhạc dân gian, nhạc cụ truyền thống… đã được tái hiện, trình diễn, thể hiện đời sống văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc trong quá trình phát triển, đồng thời đã có sự chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nội dung hoạt động “Trình diễn nét đẹp trong trang phục các dân tộc” đã giới thiệu trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trong trang phục hàng ngày, lễ hội với nhiều màu sắc sặc sỡ, hoa văn phong phú, mang đậm ý nghĩa văn hóa.
Về trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa của mỗi đoàn đã thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa đã mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hoá tín ngưỡng dân gian của các dân tộc, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày, đồng thời là kết tinh của văn hóa đặc sắc nhất trong đời sống tâm linh, thể hiện tâm tư nguyện vọng hướng tới mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho hôm nay và mai sau. Tính nhân văn, sự đa dạng của lễ hội càng đề cao giá trị và đoàn kết cộng đồng.
Bên cạnh đó, nội dung “Không gian triển lãm, giới thiệu ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng” các tỉnh có chung tuyến biên giới Việt Nam-Lào trong quá trình hội nhập và phát triển đã phản ánh những nét đặc trưng văn hóa và tiềm năng du lịch của từng địa phương…
Trong hoạt động thi đấu thể thao, có hơn 240 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của 8 tỉnh tham dự, gồm: Điện Biên, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La và Thừa Thiên - Huế. Ban Tổ chức đã trao 32 bộ huy chương cho các vận động viên đạt thành tích ở các nội dung thi đấu của 5 môn thi, gồm: đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tù lu, tung còn.
Tại lễ bế mạc, ban tổ chức Ngày hội đã trao Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 24 tập thể là các đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các tỉnh của hai nước Việt Nam, Lào và 7 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong tổ chức Ngày hội.
Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên trao tặng 22 Bằng khen cho các đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc thuộc các tỉnh của hai nước và tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong tổ chức Ngày hội.
Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao Bằng khen tặng các đoàn nghệ thuật quần chúng 10 tỉnh của Việt Nam tham gia Ngày hội.
Ban tổ chức đã thực hiện nghi thức chuyển giao cờ đăng cai tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ IV, năm 2027 cho tỉnh Quảng Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết