Quanh co con đường đến huyện miền núi Bắc Sơn, xen lẫn những căn nhà hiện đại được lợp mái nhựa, mái tôn hay prô xi-măng, mái nhà sàn lợp ngói âm dương truyền thống lấm tấm rêu xanh là điểm nhấn tạo nên sự độc đáo và bản sắc riêng cho cộng đồng người Tày, người Nùng nơi đây. Tuy không còn ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng một số hộ dân xã Long Đống và xã Quỳnh Sơn vẫn tiếp nối và phát triển nghề làm ngói âm dương mà ông cha để lại.
Đi hết đèo Tam Canh, ngay lối rẽ trái bắt đầu vào xã Long Đống, chúng tôi đã thấy các lán ngói san sát nhau, những lò nung ngói to nhỏ bằng gạch xỉ, củi nung ngói xếp chồng chất và rải rác khắp nơi mầu nâu vàng đặc trưng của đất sét, nguyên liệu chính để làm ngói. Chị Hoàng Thị Sáng, thợ làm ngói ở một cơ sở trong xã đang dùng chiếc cung có tác dụng như lưỡi dao để tước khối đất sét thành những lát mỏng. Đôi bàn tay của chị tỉ mỉ lọc sỏi, nhặt đá để đất sét làm ngói mịn màng, khi nung không bị nứt vỡ.
Vất vả, thu nhập thấp, cho nên hiện nay trong gia đình chỉ còn chị duy trì làm nghề ngói từ thời bố mẹ để lại. Chị cho biết: Nguyên liệu chính làm ngói âm dương là đất sét nguyên chất được mua ở huyện Bình Gia. Đất sét sau khi mang về sẽ được tước đất, lọc sỏi để loại bỏ tạp chất, ngâm nước ủ cho dẻo rồi đưa vào đóng khuôn, đợi khô sẽ cho vào lò nung. Viên ngói âm dương có hình máng, loại ngói to có kích thước một mét/ba viên ngói, nhỏ là 25cm/viên. Do ngói được làm bằng đất sét cho nên khả năng thông khí cho ngôi nhà và chống nóng rất tốt.
Làm ngói âm dương là nghề mà người đi trước bảo người đi sau, người già truyền bí quyết cho người trẻ. Toàn bộ quy trình làm ngói âm dương vẫn thực hiện thủ công hoàn toàn, sử dụng sức người là chính, không có sự hỗ trợ của máy móc hay công nghệ hiện đại. Tay lọc sỏi, nhào đất, xén đất, đóng khuôn, chân giẫm đất, lèn đất... kỹ thuật làm ngói rất thô sơ, thành quả hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm tự tích lũy và một số bí quyết được người đi trước truyền lại.
Thời gian hoàn thành một mẻ ngói là từ ba đến bốn tháng, cho nên một năm lò nung cũng chỉ đỏ lửa được hai lần. Thời gian ủ đất cho dẻo từ 13 đến 20 ngày, phơi ngói khô trước khi đưa vào lò nung gần một tháng. Thời gian nung liên tục khoảng 10 ngày đêm. Ngói chín thì hạ lửa, chờ lò nguội sau năm ngày bắt đầu thực hiện dỡ ngói.
Đối với anh Hoàng Công Hưng ở xã Long Đống, nghề làm ngói âm dương gắn bó với anh từ khi còn nhỏ, khi lê la nhào nặn những viên đất sét làm đồ chơi. Để thành thợ ngói lành nghề như hôm nay, anh mày mò tự học qua các cụ già trong nhà, tự quan sát và nắm được bí quyết rồi bắt tay vào làm.
Đến nay, anh sở hữu hai lò nung ngói tự xây bằng gạch xỉ, mỗi lò có sức chứa khoảng 40 nghìn viên ngói to hoặc 50 nghìn viên ngói nhỏ, cung cấp ngói cho các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Nội... Cầm viên ngói hình máng đã được nung già, anh cho chúng tôi biết, tên gọi ngói âm dương bắt nguồn từ kỹ thuật xếp ngói lợp mái nhà.
Viên ngói âm dương có hình dáng cong mặt trụ, khi lợp, hàng ngói xếp úp gọi là ngói dương, hàng ngói xếp ngửa gọi là ngói âm. Hai hàng ngói sấp ngửa đan lồng vào nhau tạo nên sự kết dính chắc chắn.
Hiện nay sản phẩm ngói của anh gồm có ngói lợp mái, lợp nóc và lợp chân mái. Sản phẩm ngói âm dương vẫn có thị trường do ưu điểm nhẹ, mát mẻ trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông, độ bền có thể coi vĩnh cửu do đã được nung già trong lửa, không thể hư hỏng theo thời gian. Bên cạnh nhu cầu lát mái nhà sàn của người dân, ngói âm dương còn được ưa chuộng, sử dụng để trang trí trong các khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái, khu du lịch cộng đồng bởi hình dáng và mầu sắc nhuốm màu thời gian tạo nên sự cổ kính, mềm mại cho công trình.
Sau nhiều năm làm thợ ngói, tiếp nối những kỹ thuật từ đời ông truyền lại, anh Hưng rút ra kinh nghiệm, nếu khâu làm đất kỹ thì độ hao của viên ngói sẽ ít hơn.
Chất đất càng tốt thì những viên ngói làm ra càng mỏng, mịn, nung chín thì ngói vang đanh, nếu nung ngói bằng lò to sẽ giảm chi phí nung rất nhiều. Nung ngói là khâu quan trọng nhất trong quy trình làm ngói. Ngói âm dương trước khi đưa vào lò nung cần được phơi, hong trong lán mát cho khô, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau hơn một tháng phơi khô, ngói được nhẹ nhàng xếp vào lò nung thành 12-13 tầng ngói.
Nguyên liệu để nung ngói là củi chứ không dùng than. Nung liên tục 10 ngày đêm, ngói sẽ chín từ trên xuống. Người thợ ngói lành nghề không dùng nhiệt kế để đo độ nóng của lò mà nhìn lửa để điều chỉnh nhiệt độ trong lò nung, nhìn khói ở lỗ thông hơi không còn hơi nước và mầu trắng để biết cần tăng hay giảm lửa. Ngói hồng, lửa sáng trắng là ngói bắt đầu chín.
Sau khi mở lò, dỡ ngói từ trên xuống, những viên ngói cong, vênh, nứt sẽ bị loại để bảo đảm chất lượng mái lợp không bị dột cũng như tính mỹ thuật của công trình.
Không còn rộn ràng, tấp nập không khí của một làng nghề làm ngói âm dương như xưa, nhưng Long Đống vẫn còn đó các cơ sở đang miệt mài giữ nghề truyền thống. Thỉnh thoảng, đôi ba chiếc xe tải chạy đến dừng lại trước các lò nung, ngói lại được xếp lên thùng xe chở đi khắp nơi, các lán ngói vơi dần..., đó cũng là niềm vui và động lực của những người thợ ngói còn giữ nghề. Chăm chỉ, cần mẫn, âm thầm trong công việc giữ nghề truyền thống của cha ông, những người thợ ngói cũng đang góp phần lan tỏa bản sắc của mảnh đất xứ Lạng đi muôn phương.
Gửi phản hồi
In bài viết