Khởi nghiệp đối với người chưa từng trải và không có kinh nghiệm chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng bằng niềm đam mê cùng tư duy sáng tạo, chị Lê Thị Hương, thôn 1, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ trồng quất cảnh. Qua đôi bàn tay khéo léo, chị đã thổi hồn cho từng cây quất với nhiều kiểu dáng hấp dẫn, sinh động đáp ứng nhu cầu chơi quất cảnh dịp Tết của người dân. |
|
TIẾP chúng tôi giữa vườn quất mơn mởn đang đâm chồi nảy lộc, sương lấp lánh trên những trái quất vàng, cả không gian bừng sáng sắc xuân, chị Lê Thị Hương bồi hồi nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp. Chị Hương sinh năm 1991, trong một gia đình thuần nông. Sau khi lấy chồng chị cùng với gia đình nhà chồng phát triển kinh tế từ trồng cam đường canh, bưởi ghép bonsai nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân là do kỹ thuật chăm sóc khó, cộng với khi vận chuyển quả rất dễ rụng. |
Quất cảnh luôn có sức hút với người chơi cây Tết, bởi trong tiềm thức, quất là cây mang lại cho gia chủ sự thịnh vượng, bình an và may mắn. |
Năm 2016, chị cùng với gia đình tìm hướng đi mới. Chị Hương chia sẻ: “Nhận thấy nhiều năm gần đây, quất cảnh luôn có sức hút với người chơi cây Tết, bởi trong tiềm thức, quất là cây mang lại cho gia chủ sự thịnh vượng, bình an và may mắn đối với mỗi thành viên trong gia đình. Chính vì thế, chị bàn với gia đình chuyển sang trồng quất cảnh”. Thời điểm đó, vốn không có nhiều, kinh nghiệm chưa có, vợ chồng chị cùng với các anh chị trong gia đình hùn vốn về Hưng Yên mua giống quất cảnh về trồng, chăm sóc, tạo dáng để đến những ngày cuối năm, vợ chồng chị lại chở quất ra chợ hoa thành phố Tuyên Quang để bán. |
Khách tìm đến vườn mua quất cảnh. |
Năm đầu tiên bán quất, vợ chồng chị thấp thỏm không yên, nào sợ cây không được giá, sợ không đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng bán không ai mua… Nhưng rất may, được người tiêu dùng đón nhận, khi biết cây được trồng ở Tuyên Quang nhiều khách hàng còn theo chị về tận vườn để chọn mua. Chị Hương bảo: “Năm đầu tuy lấy công làm lãi, nhưng được người tiêu dùng đón nhận khiến tôi có thêm động lực phát triển cây quất làm thế mạnh”. |
THẤM thoắt đã 8 năm gắn bó với nghề trồng quất cảnh, những sản phẩm quất cảnh nghệ thuật của gia đình chị ngày càng được nhiều người biết đến, đánh giá cao và có uy tín trên thị trường Tuyên Quang. Số lượng quất trồng từ năm 2021 đến nay đã tăng lên 1.000 cây/năm. |
Chị Lê Thị Hương chăm sóc vườn quất của gia đình. |
Điều khiến chúng tôi ấn tượng ở vợ chồng chị Hương đó là tư duy sáng tạo với cây quất. Những năm đầu chị trồng trong chậu nhựa nhìn không được thẩm mĩ, nên chị đã chuyển sang trồng trong những chiếc bình gốm, bình to, bình nhỏ khác nhau. Cùng với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của chị hàng ngày bấm, tỉa, cắt xén, uốn nắn tỉ mỉ, thì những cây quất mộc mạc, đơn sơ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Chị Hương tâm niệm: “Mỗi cây quất là một đứa con tinh thần, một tác phẩm nghệ thuật, làm thỏa mãn niềm đam mê của tôi”. |
Chị Lê Thị Hương chở quất lên thành phố bán được khách hàng ưa chuộng. |
Theo chị Hương, để có được những bình quất bonsai dáng đẹp, người trồng phải mất ít nhất một năm chăm sóc. Cây quất được trồng trong các bình gốm từ khi còn nhỏ. Sau đó, quất được tỉa, uốn nắn thành các dáng khác nhau. Quất bonsai được vợ chồng chị tạo nhiều kiểu dáng như: Long giáng, phụng chầu, thác đổ… Quất trồng trong những chiếc bình, chậu gốm càng tôn vẻ quý phái, sang trọng cho cây. Một bình quất bonsai đẹp là thế phải có lá xanh, quả to đều, quả vàng phải xen lẫn quả ương, quả xanh, lộc, hoa lác đác… Cây đẹp không chỉ ở dáng mà còn phù hợp với chậu, lọ, bình. |
Những cây quất được trồng trong bình gốm với nhiều thế, dáng khác nhau.
|
Trong quá trình tạo hình, vợ chồng chị phải theo dõi sát sao tình hình thời tiết để có cách chăm sóc cây phù hợp nếu không cây sẽ ra hoa rồi tàn nhanh không tạo được quả. Đặc biệt, trong những ngày đông giá rét, chị phải căng bạt trong vườn để cây không bị nhiễm sương muối. |
Khách chọn mua quất của chị Hương về chơi Tết Giáp Thìn 2024. |
Vụ quất năm nay, chị Hương trồng 1.000 cây, nhờ chăm sóc tốt nên cây nào cây đấy đều rất đẹp và được lòng khách hàng. Từ 23 Tết, khách đến mua quất đông hơn, giá dao động từ 250 nghìn đồng/cây đến hơn 1 triệu đồng/cây. Với giá cả hợp lý nên các gia đình ngoài sắm đào thì sắm thêm cả quất. Đưa tay lên nhẩm tính, năm nào thời tiết thuận lợi, quất được giá, mỗi năm từ trồng quất chị Hương thu lãi khoảng 300 triệu đồng. |
Khách hàng tấp nập chọn mua quất. |
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, chị còn được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn 1, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Chị là tấm gương điển hình thanh niên khởi nghiệp trong thôn và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các đoàn viên trong thôn, xã kinh nghiệm phát triển nghề quất cảnh. |
Gửi phản hồi
In bài viết