Chuyện bên nồi bánh chưng

Ngày tôi còn bé, hễ cứ mỗi cuối đông khi mẹ nhẩm tính “còn hơn tháng nữa là đến Tết” là kể từ ngày đó lũ trẻ chúng tôi bắt đầu háo hức mong chờ. Có lẽ bởi vì nghèo đói nên mong đến Tết để có những bữa ăn có giò, có thịt. Bởi vì Tết nhất định sẽ được mẹ dắt đi may  chiếc áo mới. Và Tết sẽ được ăn những miếng bánh chưng, thứ mà ngày thường chẳng bao giờ có.

Thường thì từ ngày 27 tháng Chạp, mọi nhà trong làng đã bắt đầu rục rịch cắt lá dong, chẻ lạt và gói bánh. Hồi đó, theo như tôi nhớ, đến nhà ai người lớn cũng chỉ hỏi: Năm nay nhà cô, nhà bác gói nhiều bánh chưng không? Nhà gói nhiều bánh chưng được mặc định là ăn Tết to, tức là cuộc sống no đủ.

 

Bây giờ Tết nhất chẳng thiếu gì, nhưng bố mẹ tôi vẫn duy trì phong tục gói bánh chưng mấy chục năm qua. Mẹ nói, gói là gói kỷ niệm, để sau này các con nhớ về cội nguồn, gia đình.

Nồi bánh chưng có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất của ngày Tết, nhà nào cũng gói, bất kể giàu nghèo. Tôi lẽo đẽo theo mẹ cả buổi, nào là rửa lá, vo gạo, đồ nhân… Tôi chú ý quan sát từng tí một. Nhiều lúc nghĩ mẹ mình thật tài giỏi, biết gói bánh chưng. 

 Người dân tổ 14, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) gói bánh chưng dịp Tết.

Cái ý nghĩ rất trẻ con, nhưng nó lại là cả một bầu trời tuổi thơ hạnh phúc. Đến lúc gói bánh, dù chả giúp gì được mẹ, tôi vẫn đem ghế ra ngồi bên cạnh, đếm từng cái lá, từng cái lạt, từng cái bánh. 

Một em nhỏ chăm chú nhìn người lớn gói bánh chưng.

Mỗi dịp Tết về, bố tôi lại nghêu ngao câu đối:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Đó là đôi câu đối thân quen khi nói về những nét đặc trưng nhất trong ngày Tết nguyên đán của người Việt từ bao đời nay. Trong đó, chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến.

Nhà tôi thường gói bánh từ trưa 28, sẩm tối thì bắc nồi lên bếp lửa. Thường thì sau khi hoàn thành nốt những việc lặt vặt, cả nhà tôi và cả hàng xóm cũng sang quây quần bên nồi bánh chưng vừa nói chuyện Tết, vừa sưởi ấm.

Nồi bánh chưng có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất của ngày Tết, nhà nào cũng gói, bất kể giàu nghèo.

Bố mẹ tôi kể chuyện xưa cũ, những chuyện bố mẹ kể thường về một thời đói, khổ. Anh tôi kể chuyện những tháng ngày lăn lộn mưu sinh nơi đất khách. Dưới ánh lửa bập bùng, gương mặt ai cũng hồng lên lấp lánh. Gương mặt bố như bớt gầy, khuôn mặt mẹ như bớt khắc khổ.

Nhiều nơi gói bánh chưng Tày và không cần khuôn như bánh chưng vuông.

Ngày nhỏ, anh em chúng tôi ngồi trông nồi bánh chưng, nhìn ngọn lửa bập bùng, chúng tôi chui trong ổ rơm ấm, cứ thế nô đùa, nghịch ngợm mà quên cả thời gian, mệt mỏi. Khi hàng xóm về hết, chỉ còn lại mấy người trong nhà ngồi trông bánh chưng, ông bà, bố mẹ tôi bàn chuyện sắm Tết. Tôi ngồi thả từng nắm trấu cho vào trong bếp để lửa cháy to hơn, tưởng tượng ra đủ thứ trên đời trong bếp lửa hồng ấy. Thỉnh thoảng lại lắng tai nghe vài câu chuyện của mọi người trong nhà, mai còn khoe lũ bạn.

Trường Mần non Sao Mai, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tổ chức hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng Tết cho các em học sinh.

Tôi chìm vào giấc ngủ với câu chuyện cổ tích “Bánh chưng, bánh dày” từ khi nào không biết… Mùi bánh chưng vẫn ngào ngạt trong kí ức tuổi thơ.

Chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết.

Sau này khi đời sống dần dần khá hơn, tôi không còn mong Tết để được ăn no mặc đẹp nữa mà chỉ mong đến Tết để được sum vầy. Để anh chị em ba chốn bốn phương về tụ họp, để mẹ cha vui khi biết con cái sắp về, để được ngồi bên nhau kể về những kỷ niệm, những lo toan, những ước mơ, dự định.