Khi cuộc sống đủ đầy người ta lại hay hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ, và Tết – dường như là một dịp để những hoài niệm ấy ùa về. Trong không khí se lạnh kèm mưa phùn bay trong gió, hòa với mùi hương trầm bảng lảng, các bà, các mẹ rộn ràng đi chợ xuân mua lá dong, gạo nếp về gói bánh. Cánh đàn ông ở nhà mổ lợn đụng, tiếng cười, tiếng nói vang vọng khắp không gian.
“Tôi sinh ra trong một làng quê bình huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ, khi 6 tuổi thì theo cha mẹ lên Tuyên Quang làm kinh tế mới. Ngày ấy, đất nước còn khó khăn, chỉ có Tết là lúc được ăn thịt, ăn cá, may quần áo mới. Gia đình tôi suốt bao năm qua vẫn giữ nếp ăn, nếp ở như những ngày xưa, chị em tôi vẫn bảo nhau gói bánh chưng, gói giò vào ngày Tết Nguyên đán, chỉ có chiếc bánh do mình tự tay gói, trông củi lửa từ đêm đến sáng mới là chiếc bánh được dâng lên ban thờ tổ tiên vào ngày 30 Tết”. Bà Đỗ Thị Vân, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Vân cùng các cháu luộc bánh chưng đón năm mới.
Gia đình bà từ trước đến nay dẫu kinh tế ngày một phát triển, phố phường sầm uất đổi thay với rất nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ ra đời thì vẫn luôn tự mình chuẩn bị đồ ăn Tết. Cứ đến 20 tháng Chạp là bà lại đi chợ Tam Cờ mua lá dong về gói bánh. Bà gói đúng thứ bánh chưng vuông với gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh giã nhuyễn, thịt lợn 3 chỉ ướp hạt tiêu, muối hạt và một chút nước mắm từ Hải Phòng. Đặc biệt, nhà bà gói bánh không dùng khuôn, không cắt lá mà gói tay bánh vẫn vuông thành sắc cạnh. Bà bảo: “Tết này vẫn vẫn giống Tết xưa”, không chỉ bà mà các con, các cháu đều vô cùng háo hức, mong chờ.
Người dân đi chợ chọn mua lá dong gói bánh.
Bánh chưng – Thức bánh cổ truyền của dân tộc vào dịp Tết Nguyên đán.
Cũng giống bà Vân, bà Bùi Thị Hạnh, một người phụ nữ gốc ở quận Đống Đa, Hà Nội, theo gia đình lên định cư ở Tuyên Quang đã ngót nghét nửa thế kỷ nhưng ở trong bà vẫn còn nguyên cốt cách thanh lịch của người con mảnh đất kinh kỳ. Tết đến bà tự tay trồng những chậu hoa thược dược đủ sắc màu để trang trí nhà cửa, bởi theo bà những đóa này thuần Việt, chân quê nhưng vẫn đủ rực rỡ, ấm cúng. Bà kể lại, ngày trước nhà nào có bình cắp hoa thập cẩm thược dược, cúc, violet, lay ơn với lá măng là đúng chuẩn Tết, chỉ nhìn bình hoa thôi là như thấy cả mùa xuân thu nhỏ. Cũng chính bởi vậy bà vẫn giữ thói quen trồng hoa thược dược vào Tết suốt bao nhiêu năm qua.
Bà Bùi Thị Hạnh chăm sóc những chậu hoa thược dược trước hiên nhà.
Vừa trông cửa hàng cắt tóc, làm đẹp, chốc chốc lại chạy ra thêm trấu, thêm mía hun khói thịt lợn ba chỉ, chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) tất bật hơn mọi ngày. Chị cho biết, cuối năm cửa hàng đông khách nhưng vừa rồi được tặng cho thịt lợn ngon chị quyết định làm thịt hun khói. Chị Diệp tự mình ướp thịt rồi nhờ ông xã bắc cho một giàn treo nho nhỏ để hun. Món ăn này chị học được từ một người bà con ở Chiêm Hóa, thịt vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon, khi thành phẩm sẽ có màu nâu sẫm, thịt chắc, mỡ trong, thái mỏng rồi đem xào ngồng tỏi là có một món ngon ngày Tết đã khách và cho cả gia đình thưởng thức.
Thịt hun khói cũng là món ăn truyền thống được nhiều gia đình ưa chuộng trong ngày Tết.
Trên khu phố Tam Cờ, Xuân Hòa ở trung tâm thành phố, rất nhiều gia đình đang chế biến lạp xưởng xông khói, mùi khói mía, vỏ bưởi thơm lừng cả không gian. Lạp xưởng là một món ăn truyền thống mà người dân ở đây rất thích ăn vào dịp Tết, có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, tiện lợi. Ông Nguyễn Thành Trung, phường Minh Xuân cho biết: “Nhà tôi năm nào cũng làm lạp xưởng, tôi phụ trách rửa lòng và nhồi thịt, còn vợ và con phụ trách ướp thịt. Bây giờ cuộc sống đủ đầy, không thiếu thốn như xưa nhưng tự tay làm lạp xưởng, mứt Tết mới thấy có không khí Tết, ai cũng cười nói, vui vẻ. Nhìn giàn lạp xưởng căng mọng, đỏ au là thấy đủ đầy, ấm áp. Gia đình tôi sẽ luôn duy trì truyền thống này để Tết đến không chỉ là ăn Tết mà còn là sống trong không gian náo nức, bận rộn của những ngày cuối năm khi cả nhà cùng nhau sửa soạn cho một năm mới đủ đầy, sung túc”.
Người dân khu phố Tam Cờ làm lạp xưởng, món ăn truyền thống vào dịp Tết.
Người dân tự tay gói giò thủ đón Tết.
“Nhiều người cứ đến gần Tết là lại ca thán sợ Tết, ăn Tết trong áp lực, Tết giờ không vui bằng ngày xưa… họ tìm ra đủ thứ lý do để khiến Tết dường như trở thành gánh nặng, nhưng theo tôi chính bản thân họ đang tự mình làm mất đi ý nghĩa nhân văn, truyền thống của Tết. Gia đình đình tôi mỗi năm đón Tết lại vui hơn và đầm ấm hơn hởi bởi những giá trị của ngày đầu mới được các thành viên trân trọng và gìn giữ. Cha mẹ cùng các con đi lễ chùa, xin chữ, thăm hỏi người thân, họ hàng và trao nhau những lời chúc tốt đẹp”. Đó là chia sẻ của bà Bế Thị Định, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang).
Nét đẹp tục xin chữ đầu năm.
Những phong tục Tết xưa mang đậm dấu ấn về tinh thần, giá trị văn hóa, là nếp nhà mà cha ông truyền lại. Bây giờ giá trị về vật chất nhiều thứ đã thay đổi nhưng giá trị tinh thần vẫn còn nguyên giá trị. Những tập tục như xông đất, mua muối, lễ chùa, xin chữ…như bà Định đã chia sẻ cũng không khác trước là bao. Với bà Định, tuy tuổi đã cao những mỗi sáng mùng một bà luôn dậy thật sớm, cùng con dâu chuẩn bị mâm cỗ dâng lên ban thờ gia tiên. Bánh chưng, canh măng, nem rán, thịt gà luộc luôn là những món không thể thiếu. Bà luôn dặn các con, các cháu phải biết trân trọng, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mỗi món ăn phải được thưởng thức với tấm lòng thành kính, nâng niu bởi để làm ra chúng là những giọt mồ hôi, nỗi vất vả của biết bao người.
Tục thờ cúng gia tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt.
Ngày xuân là mở đầu của một năm. Dòng chảy văn hóa sẽ lại tiếp tục tuần hoàn. Mỗi người, vào thời điểm này - đi thật xa để trở về. Trở về cội nguồn tổ tiên, trở về để kính trọng tri ân những người sinh thành và nuôi dưỡng, là gặp gỡ bạn bè người thân suốt một năm miệt mài làm ăn. Anh Lương Tuấn Anh, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, cả năm làm ăn, bôn ba khắp mọi miền đất nước nhưng Tết đến nhất định phải về nhà. Với anh, Tết về sẽ mừng tuổi ông bà, mẹ cha, chia quà cho các cháu, thấy khuôn mặt rạng ngời của cả gia đình chính là niềm hạnh phúc mà anh mong muốn. Anh cũng chia sẻ: “Nhiều người trẻ như tôi “sợ” Tết, họ sợ những câu hỏi quan tâm như lương tháng bao nhiêu? bao giờ thì lập gia đình?... Nhưng với tôi mình chỉ cần đáp lại thật vui vẻ là được, bởi cả năm mới được gặp họ hàng, người thân, có khó gì đâu một lời chân thành, quan tâm, hỏi thăm ấm áp, ân tình”.
“Tết với tôi luôn là khoảng thời gian vui vẻ nhất, dù ở đâu, nông thôn hay thành thị thì Tết vẫn thật rộn rã, vui tươi. Phố phường trang hoàng rực rỡ, chợ hoa Tết trải dài tấp nập khiến lòng người chỉ muốn hòa vào không gian ấy”, chị Nguyễn Thanh Nga, nhân viên ngân hàng BIDV chi nhánh Tuyên Quang phấn khởi nói. Công việc của chị Nga thường kéo dài đến sát Tết, có những năm 30 Tết mới được nghỉ ngơi. Chị thường tranh thủ buổi tối đưa các con đi sắm Tết, dạo chợ hoa mua đào, quất, cây cảnh trang trí nhà cửa. Với chị, dù có bận rộn đến đâu cũng phải lo cho gia đình một cái Tết tươm tất, bởi đó nếp nhà, nếp sống, phong tục tốt đẹp của dân tộc từ ngàn xưa truyền lại. Con gái chị thì rất thích mặc áo dài và cùng mẹ làm mứt, chị sẽ cố gắng để con luôn yêu và trân trọng Tết cổ truyền.
Trẻ được học gói bánh chưng ở trường, một hoạt động hấp dẫn tại các hội xuân.
Người phố - Tết xưa, dù thời gian có đổi thay thì những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của cha ông truyền lại vẫn luôn hiện hữu, để mỗi năm Tết đến chúng ta càng thêm tự hào là người con đất Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết