Bệnh đái tháo đường đang trở thành gánh nặng trong chăm sóc y tế

Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường đang trở thành gánh nặng trong chăm sóc y tế. Do đó, khi có các biểu hiện ban đầu của tiền đái tháo đường hoặc các yếu tố nguy cơ, người dân cần được tư vấn, phát hiện sớm bệnh.

Đó là thông tin được đưa ra tại Ngày hội y tế cơ sở phòng, chống bệnh không lây - đái tháo đường, tăng huyết áp do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức ngày 11-11.


Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại Ngày hội y tế cơ sở.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở thành phố Hà Nội chỉ là 1,1%, còn ở thành phố Hồ Chí Minh là 2,25%. Đến năm 2021, kết quả điều tra về đái tháo đường của người dân từ 18 - 69 tuổi tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ tiền đái tháo đường là 16%; tăng đường huyết là 10,2%; tăng huyết áp 30,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 19,2%.

Số liệu trên cho thấy, sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường đang trở thành gánh nặng trong chăm sóc y tế.

Phát biểu tại Ngày hội y tế cơ sở, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, đái tháo đường là một bệnh mạn tính, tiến triển với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tổn thương mắt có thể gây ra mù lòa; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi; tăng huyết áp, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim… làm giảm chất lượng sống của người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Để dự phòng sớm, quản lý, điều trị kịp thời nhằm giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường, theo ông Vũ Cao Cương, khi có các biểu hiện ban đầu của tiền đái tháo đường hoặc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh như: Thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid…, người dân cần được tư vấn, phát hiện sớm. Làm được điều đó, việc phòng chống bệnh đái tháo đường mới có hiệu quả, tiết kiệm được chi phí điều trị bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên xét nghiệm đường máu để phát hiện bệnh, điều trị sớm, ngăn ngừa biến các biến chứng nguy hiểm.

“Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý. Do đó, mỗi người hãy duy trì hoạt động thể lực hằng ngày, có chế độ ăn uống hợp lý. Mặt khác, mọi người cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh đái tháo đường”, ông Vũ Cao Cương khuyến cáo.

Khám sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp miễn phí cho người dân.

Tại Ngày hội, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã tổ chức tư vấn, khám sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp, siêu âm tổng quát, khám mắt, đo chiều cao, cân nặng… và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 3.000 người dân trên địa bàn huyện Ba Vì trong độ tuổi từ 40 trở lên.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục