Bí quyết chăn nuôi của ông Học

- 15 năm nay, ông Học không bao giờ đi mua thịt lợn ở ngoài. Bởi theo ông, dù có vệ sinh sạch sẽ đến đâu nếu không may gặp những con lợn có mầm mống dịch bệnh cũng rất dễ lây nhiễm cho đàn lợn của mình... Đó là bí quyết để đàn lợn rừng và lợn bột của nông dân Hoàng Văn Học, thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) an toàn trước dịch bệnh trong thời gian qua.

Tiên phong nuôi lợn rừng

Về xã Phúc Ứng, nói đến nông dân Hoàng Văn Học nuôi lợn rừng không có ai là không biết đến, bởi ông là người tiên phong đưa giống lợn rừng về xã.

 Ông Hoàng Văn Học, thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) là người tiên phong đưa lợn rừng về nuôi tại xã.

15 năm trước, khi mà mọi người còn loay hoay với những khái niệm nông nghiệp xưa cũ, cả huyện Sơn Dương mới chỉ có một mô hình nuôi lợn rừng với khoảng gần 10 con thì ông Học đã đầu tư mua 1 đôi lợn rừng giống và nhân giống đàn lợn đến hơn 100 con. Ông Học chia sẻ, việc nuôi lợn rừng không khó mà ngược lại chúng còn có khả năng chống chọi với thời tiết tốt hơn các giống lợn thịt mà người dân đang nuôi phổ biến. Đặc biệt, lợn rừng luôn giữ ở mức giá ổn định, không lên xuống như giá lợn bột nên việc chăn nuôi cũng trở nên an toàn hơn.  Vốn là động vật hoang dã ăn tạp, nên ông có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như cây chuối, cỏ voi, ngô... Những ngày đầu, lợn chưa quen nên không tự giác về chuồng, ông Học chỉ cho lợn ăn một bữa vào buổi chiều, tạo thói quen trở về chuồng cuối ngày cho lợn.

Tuy lợn rừng có khả năng kháng bệnh tốt, nhưng để giữ an toàn cho đàn lợn, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh khu vực chuồng trại, từ khi nuôi lợn rừng gia đình ông đã không mua thịt lợn ở ngoài. Bởi theo ông nếu không may mua phải lợn có không khỏe, có mầm mống dịch bệnh thì sẽ rất dễ lây nhiễm cho đàn lợn trong quá trình chăm sóc. Nhờ đó mà thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát năm 2020 -2021, đàn lợn của ông vẫn an toàn.

Giống lợn rừng trung bình mỗi con lợn nái sinh sản được 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 5 - 6 con, cá biệt có lứa từ 8 - 9 con. Do lợn chăn thả tự nhiên, nên mỗi lứa lợn ông phải nuôi hai năm mới xuất bán để đạt chất lượng thịt ngon nhất. Hiện nay, gia đình ông Học có gần 100 con, trong đó có 10 con lợn nái, 2 con lợn đực giống, còn lại đàn lợn từ 20kg trở lên đang được chăm sóc và phát triển tốt.

Ông Hoàng Văn Học chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình.

Ngoài chăn nuôi lợn rừng, ông Học còn nuôi thêm lợn bột, nuôi trâu bò sinh sản. Năm 2020, ông được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. Số tiền đó đã giúp ông cải tạo chuồng nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ, mua thêm máy băm cỏ, thùng phi để ủ thức ăn cho đàn vật nuôi. Hiện tại, đàn trâu bò của gia đình ông duy trì khoảng 10 con. Mỗi năm ông xuất bán khoảng 5 - 6 con. Với mô hình kinh tế của mình, ông Học thu về khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Nhạy bén để bền vững

Trước đây, hầu hết lợn rừng của ông Hoàng Văn Học sẽ được các thương lái tìm đến tận nhà thu mua. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, mạng Internet phát triển, kênh tiêu thụ chính của ông Học lại là các trang mạng Facebook, Zalo. Nhờ đó, lợn rừng của ông đã được nhiều người biết đến và cung cấp cho các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang... Ông Học bảo, thời đại 4.0 rồi, mọi người chủ yếu mua sắm trên các trang mạng xã hội, sản phẩm của mình cũng cần phải được đưa lên để ai có nhu cầu mua dễ dàng tìm đến mình. Mua bán ở trên mạng xã hội cũng tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, sẽ có lợi cho những người nông dân như ông.
 

Ông Hoàng Văn Học, thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chuẩn bị thức ăn xanh cho đàn vật nuôi.

 

Thích ứng an toàn, không ngừng học hỏi và tìm kiếm những mô hình kinh tế phù hợp, ông Học đã tìm đến với việc chăn nuôi giun quế. Lượng phân bò tồn trước đây ông đau đầu để tìm cách xử lý thì giờ đã được ông dùng để nuôi giun quế. Nhờ đó, vừa đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa cung cấp được nguồn phân giun quế để trồng cỏ chăn nuôi trâu bò.

Đồng chí Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết, mô hình chăn nuôi lợn rừng của ông Hoàng Văn Học là một trong những mô hình phát huy hiệu quả kinh tế của xã. Để mô hình này nhân rộng, chính quyền địa phương cũng đang tính toán, ngoài nguồn lực của địa phương sẽ sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ khác của nhà nước thông qua các dự án, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, lồng ghép các nguồn vốn để tạo điều kiện cho các hộ trên địa bàn xã có cơ hội học tập và làm theo.

Với bí quyết riêng trong chăn nuôi, không ngừng tìm tòi, học hỏi những điều mới, người nông dân Hoàng Văn Học với mô hình chăn nuôi an toàn chắc chắn sẽ theo kịp sự chuyển dịch của xã hội mang đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục