Khuân Đào hôm nay
Cách trung tâm xã khoảng 5 km, thôn Khuân Đào nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng đặc dụng. Theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tụ, để đi hết thôn phải đi theo hai con đường bởi thôn bị chia cắt thành 2 khu sống biệt lập. Một là vòng qua Nè Tè, thôn Hoàng Lâu sẽ đến được bản Pắc Pẻn, thôn Khuân Đào. Con đường còn lại đi qua trung tâm thôn Hoàng Lâu sẽ đến được bản Khuân Đào, thôn Khuân Đào.
Đến Khuân Đào, chúng tôi gặp ông Triệu Văn Đường, Trưởng thôn Khuân Đào. Ông Đường cho biết, thôn có 140 hộ, 538 nhân khẩu, 90% là dân tộc Dao. Cách đây hơn chục năm Khuân Đào như một “ốc đảo” hoang vu, hẻo lánh, cuộc sống bà con vất vả, thiếu thốn trăm bề. Đặc biệt, ở ven các cánh rừng đặc dụng, có 33 hộ đồng bào Dao thuộc diện “4 không” (không điện, không đường, không nhà văn hóa, không y tế bản), nhiều người dân không chịu được đói khổ nên bỏ đi.
Từ năm 2012, 33 hộ nằm ở ven đồi rừng đặc dụng xã Trung Yên rời những cánh rừng về sống tập trung tại bản Khuân Đào. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu giúp đồng bào nơi đây thoát khỏi cảnh nghèo đói, từng bước ổn định cuộc sống. Đến nơi ở mới, đồng bào Dao được Nhà nước hỗ trợ nhà ở kiên cố, có các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt như công trình nước sạch, đường giao thông; được hỗ trợ lương thực, thực phẩm…
Đường ở Khuân Đào được bê tông hóa giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.
Đặc biệt, năm 2013 điện lưới về thôn, cuộc sống của bà con khá hơn rất nhiều, người già được xem ti vi, con cháu được học dưới ánh điện, người dân có điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất. Nhiều gia đình đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt đáp ứng nhu cầu ăn, ở hàng ngày.
Ghé thăm gia đình ông Triệu Văn Luận, thôn Khuân Đào, ông Luận chia sẻ, giờ ở thôn có đường trải bê tông đến tận nhà, có điện, có nước sinh hoạt đầy đủ, con em trong thôn mạnh dạn đi làm công nhân, làm thuê nên cuộc sống bà con cũng bớt khó khăn. Nhờ mạnh dạn đầu tư mô hình trồng chè kết hợp chăn nuôi lợn, đã giúp gia đình ông Luận thoát nghèo và trở thành hộ khá.
Còn nhiều trăn trở
Trong câu chuyện của cán bộ xã Trung Yên, mỗi khi nhắc đến cuộc sống của người dân Khuân Đào, vẫn phảng phất chút buồn man mác. Mặc dù Khuân Đào đã đổi thay, đời sống đồng bào khấm khá hơn trước, nhưng còn đó vòng luẩn quẩn của nghèo khó, thiếu thốn khiến cấp ủy, chính quyền không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Theo Trưởng thôn Triệu Văn Đường, chuyển động là vậy, nhưng đối với một xã đặc biệt khó khăn như Trung Yên để Khuân Đào thoát nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Ở Khuân Đào hiện có 140 hộ, trong đó, 88 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo. Trình độ dân trí còn thấp, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang tồn tại; vẫn còn đó tình trạng tảo hôn, học sinh bỏ học giữa chừng, học hết cấp 2 là nghỉ đi làm thuê kiếm tiền. Cả thôn đến nay chưa có người đi học cao đẳng, đại học. Đáng nói, diện tích đất nông nghiệp ít, manh mún, bạc màu, mùa khô hạn thiếu nước sản xuất, trong khi đồng bào thiếu việc làm, chưa có kỹ năng sản xuất kinh tế nên một số hộ vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu lương thực vào các dịp giáp hạt.
Đất nông nghiệp ít, bạc màu, thiếu nước là khó khăn lớn nhất với bà con khuân Đào.
Để minh chứng cho những điều đó, Trưởng thôn Triệu Văn Đường dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Bàn Sinh Liên. Sau 11 năm chuyển từ ven rừng đặc dụng vào sinh sống, lập nghiệp ở nơi đây, gia đình anh vẫn chưa thể thoát khỏi danh sách hộ nghèo. 6 miệng ăn trong nhà trông cả vào 3 sào lúa nhưng chỉ trồng được 2 vụ/năm nên cứ thiếu trước hụt sau. Để có thể trang trải cuộc sống, hai vợ chồng phải tranh thủ đi làm thuê đủ thứ việc. “Không có vốn, đất sản xuất ít lại phụ thuộc chủ yếu vào “trời” nên để lo đủ cái ăn đã khó nói gì đến chuyện vươn lên thoát nghèo”, anh Liên thở dài.
Rời nhà anh Liên, mang theo những trăn trở làm sao để cuộc sống của bà con nơi đây vơi bớt nhọc nhằn, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Trung Yên. Đồng chí Tụ cho biết, việc tìm cách xóa nghèo cho bà con Khuân Đào là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền xã. Nhiều giải pháp và cách làm được đưa ra để giúp bà con ổn định cuộc sống, trong đó việc cần làm trước mắt là huy động thêm vốn đầu tư để mở đường giao thông, trong giai đoạn 2023 - 2025 phấn đấu hoàn thành 3 km đường bê tông liên thôn Hoàng Lâu - Khuân Đào; ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ bà con xây dựng, hoàn thiện các công trình vệ sinh, cấp nước sạch sinh hoạt, cải tạo đất canh tác bạc màu, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt... nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hy vọng, với những giải pháp cụ thể, sự đồng hành, tương trợ của chính quyền địa phương sẽ là động lực để người dân Khuân Đào chủ động và nỗ lực vượt khó từng bước vươn lên.
Gửi phản hồi
In bài viết