Những mô hình kinh tế mới
Chúng tôi về xã Xuân Lập (Lâm Bình) để tìm hiểu và chứng kiến các thanh niên người dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên ở nơi vùng khó của huyện Lâm Bình. Đồng chí Lò Tiến Hướng, Bí thư Đoàn xã dẫn chúng tôi xuống thôn, anh chia sẻ “Khuổi Củng là thôn xa nhất, cách trung tâm xã 8 km, trước đây thôn khó khăn lắm nhưng bây giờ chắc chắn các anh sẽ bất ngờ đấy”.
Đưa chúng tôi đi qua những cung đường khó, một bên là núi, một bên là vực chúng tôi mới thấy được sự vất vả của người dân nơi đây. Hướng cho biết, thôn Khuổi Củng có hơn 90 hộ chủ yếu là người Mông và Dao sinh sống, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, thế nhưng nhiều thanh niên nơi đây đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng cách ít ai nghĩ tới, đó là kiếm tiền qua mạng xã hội YouTube.
Đoàn thanh niên xã Xuân Lập tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho người dân trong xã.
Từ thôn Khuổi Củng đi bộ ngược lên những vạt đồi cao, chúng tôi đến “đại bản doanh” của các thanh niên làm YouTube. Những ngôi nhà trông như bungalow (nhà gỗ nhỏ) với ao, vườn, chuồng trại chăn nuôi được bố trí ngăn nắp và đẹp mắt như những khu nghỉ dưỡng mini. Anh Sùng Seo Chí, sinh năm 1996, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng là 1 trong những người làm YouTube đầu tiên của thôn. Anh Chí cho biết, trước đây cuộc sống khó khăn lắm, cũng từng đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh nhưng cũng chẳng “khấm khá” lên được. Qua tìm hiểu Chí thấy một số bạn trẻ làm Youtube có thu nhập khá, anh Chí học hỏi và lên ý tưởng xây dựng cho mình kênh YouTube. Chí chia sẻ “Cuộc sống với đồng ruộng còn nhiều khó khăn nên khao khát kiếm tiền từ mạng xã hội lại càng lớn”. Năm 2022, Chí cùng vợ về quê lập kênh YouTube và sáng tác nội dung về cuộc sống thường ngày. Sau 1 năm kiên trì làm YouTube, đến nay mỗi tháng vợ chồng anh Chí thu nhập bình quân 20 triệu đồng. Không chỉ có anh Chí mà hiện nay thôn Khuổi Củng và xã Xuân Lập có khoảng 15 - 20 người làm YouTube, có kênh riêng và cả những kênh làm chung. Họ tận dụng ao chuôm, nương rẫy, thực phẩm sẵn có và những công việc hàng ngày để sản xuất nội dung video mỗi ngày. Theo Bí thư Đoàn xã Lò Tiến Hướng kiếm tiền từ mạng xã hội mới phát triển ở xã Xuân Lập từ năm 2021 nhưng đã thu hút người trẻ tham gia, từ đó đem lại nguồn thu cho nhiều thanh niên.
Cùng với cách làm kinh tế mới, đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập hôm nay còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ nông, lâm nghiệp. Trên đồi đất với diện tích gần 2 ha, anh Triệu Tòn Quang, sinh năm 1996, thôn Nà Co tự tin giới thiệu về khu rừng trồng cây mỡ xanh ngút. Thành quả này là mồ hôi, công sức, là sự dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ dân tộc Dao. Ít ai biết được 2 năm trước đây lập gia đình và ra ở riêng anh Quang thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh. Kể từ khi được tiếp cận 100 triệu đồng vốn tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua Ðoàn xã, anh mua giống cây mỡ về trồng trên diện tích đất lâm nghiệp của gia đình và xây dựng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên 20 con lợn đen. Trung bình mỗi năm, anh Quang xuất chuồng hai lứa lợn, trừ chi phí, thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Anh Triệu Tòn Quang hồ hởi: “Cuộc sống đã dần ổn định. Chỉ cần bản thân luôn chăm chỉ, nỗ lực tôi sẽ thoát được cái nghèo”.
Đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập hỗ trợ người dân thôn Khuổi Trang bị tốc mái nhà sau trận dông lốc đầu tháng 5-2023.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, trong đó có nhiều mô hình của thanh niên dân tộc Mông, Dao. Ngoài việc phối hợp dạy nghề và giới thiệu việc làm để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, đoàn xã đã và đang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội cho thanh niên vay vốn. Hiện nay, với tổng dư nợ hơn 7,9 tỷ đồng, đã có 150 đoàn viên, thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế.
Phát huy sức trẻ
Về xã Xuân Lập hôm nay, nhiều người đều cảm nhận sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất này. Góp sức tạo nên niềm vui của bà con dân tộc nơi đây có vai trò quan trọng của lực lượng đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập, Đoàn xã luôn tích cực trong công tác xã hội, những năm qua Đoàn huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, biến những con đường rải đá, lầy lội trước đây thành đường bê tông kiên cố; xây dựng công trình thắp sáng đường quê dài 1km, trị giá 21 triệu đồng; vận động trên 300 lượt đoàn viên thanh niên góp ngày công xây dựng 5 nhà văn hóa thôn; phối hợp xóa nhà tạm nhà dột nát cho 7 hộ nghèo, hộ khuyết tật trong xã với tổng kinh phí hơn 175 triệu đồng.
Xã Xuân Lập thường xuyên xảy ra mưa lũ, sau mỗi trận mưa bão, nhiều hộ dân bị tốc mái nhà, đoàn viên thanh niên trong xã luôn là lực lượng tiên phong khắc phục hậu quả cho bà con. Việc làm ý nghĩa, thiết thực đã tạo được sự tin tưởng của người dân cũng như cấp ủy, chính quyền xã đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập hỗ trợ người dân trong xã lắp đặt cấu kiện mương bê tông đúc sẵn.
Để phong trào thanh niên xã Xuân Lập phát triển mạnh như hôm nay, phải kể đến “cánh chim đầu đàn” Lò Tiến Hướng, Bí thư Đoàn xã. “Lúc tôi mới về làm công tác thanh niên thì phong trào Đoàn ở xã, thôn còn trầm lắng. Với những kiến thức, kỹ năng tích lũy từ thời sinh viên, tôi lên kế hoạch, xây dựng các chương trình tình nguyện và lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ trong các buổi sinh hoạt Đoàn... để thu hút đoàn viên, thanh niên. Đoàn xã thường xuyên sẻ chia, giúp đỡ thanh niên trong xã có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Tôi phải luôn tiên phong trong mỗi hoạt động, phong trào để từ đó vận động thanh niên địa phương cùng tham gia” - anh Hướng chia sẻ.
Chúng tôi ra về khi trời đã tắt nắng nhưng trong lòng sáng lên niền tin, tin tưởng rằng với sự nhiệt huyết, đoàn kết, những đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập sẽ mang sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết