Các di sản văn hóa phi vật thể có: Thực hành Then được Tổ chức Văn hóa khoa học giáo dục Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại; lễ hội Lồng tông, lễ rước Mẫu ba đền (Thượng, Hạ, Ỷ La), lễ hội Động Tiên, lễ Cấp sắc dân tộc Dao, lễ Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, lễ Đại phan dân tộc Sán Dìu, lễ hội đình Hồng Thái, Tri thức và tập quán trồng lúa nước 6 xã huyện Lâm Bình, Tri thức làm cọn nước của người Tày ở Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình được công nhận là di sản cấp quốc gia. Còn nhiều di sản đang được phục dựng, nghiên cứu: Lễ Khai xuân dân tộc Dao; lễ Bản mệnh, lễ Ăn thề dân tộc Mông, hội Chơi núi dân tộc Mông, hội chọi bò, chọi trâu, đấu ngựa, thi làm cơm lam, thi giã cốm, thi trâu khỏe, trò chơi kéo co, đánh đu, đánh yến, chọi gà, đấu vật, đẩy gậy, đi cà kheo, đi cầu lút, cầu leo... Lễ hội, nghi lễ có sự tham gia hào hứng, đóng góp lễ vật, công sức của toàn thể cộng đồng làng bản. Cũng nhiều nghi lễ thực hiện trong phạm vi gia đình. Nhìn chung đó là lễ hội của cư dân trồng lúa nước nhằm tạ ơn trời đất, thần linh năm qua đã phù hộ cho dân bản được mọi sự tốt lành và cầu mong năm mới: Cho nắng lui đi, cho mưa tụ về. Bông lúa to bằng bông cây báng.
Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào (Sơn Dương) được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng.
Cấu thành di sản còn là dân ca (then, cọi, lượn, páo dung, sình ca, soọng cô); những nhạc cụ độc đáo, diễn tả mọi cung bậc âm thanh (đàn tính, khèn, kèn, sáo nhị...); những vũ điệu dân gian bắt nguồn từ thao tác lao động (múa phát nương, trồng cây, xây đập, đào kênh, giã gạo, xúc cá, bắt ba ba, múa gậy, múa chuông, múa chim câu xuống ruộng...).
Di sản còn nằm trong tranh thờ (tranh Thánh sư, Thần nông, Thần mưa, Thần gió, Thần sấm sét, Thần Công pháp, Thần Bưu tá...) diễn tả thần linh qua dung mạo của con người; trong nghệ thuật trang trí trên trang phục phụ nữ. Cách dùng màu, xử lý bố cục các mô típ hoa văn cách điệu từ cỏ cây, hoa lá, chim thú... thể hiện trình độ thẩm mỹ cao. Áo dài đổi thân Cao Lan, váy lá Sán Dìu gọn xinh, mũ Dao Thanh, yếm Dao Quần Chẹt, nẹp áo Dao Tiền; màu đỏ rực rỡ trang phục phụ nữ Pà Thẻn, Dao Đỏ... là những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được...”, “Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân, bội nghĩa với tổ tiên”.
Thấy rõ giữ gìn, trân trọng di sản là trách nhiệm lớn lao. Muốn vậy, cần quan tâm đến các nghệ nhân, những người lưu giữ tinh hoa hồn cốt di sản. Theo năm tháng nghệ nhân cao tuổi ngày càng thưa vắng. Hỗ trợ vật chất, biểu dương tinh thần xem như việc phải chạy đua với thời gian. Đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, nhận rõ tính chất, giá trị đề ra kế hoạch bảo tồn cho từng di sản. Cần ở đây những người tâm huyết, say mê, sâu sát, có phương pháp khoa học.
Lưu giữ âm thanh, hình ảnh, việc không thể xem nhẹ, song quan trọng hơn là tạo cho di sản không gian trường tồn. Thực hiện đồng thời nhiều biện pháp: Tổ chức những câu lạc bộ trao truyền, thực hành di sản (câu lạc bộ Then, câu lạc bộ Páo dung...); đưa dân ca, vũ điệu truyền thống vào trường học; mở lớp truyền dạy dân ca, vũ điệu truyền thống tại nhà văn hóa thôn bản. Định kỳ tổ chức hội thi, liên hoan từng loại hình nghệ thuật dân gian (liên hoan hát Then đàn tính, Páo dung, Soọng cô...). Những hội thi, liên hoan tiến hành từ xã liên xã đến huyện, liên huyện, tỉnh, liên tỉnh, khu vực.
Bảo tồn phải đồng hành với phát huy giá trị di sản. Cả hai nhiệm vụ đều quan trọng, có mối liên hệ mật thiết, tạo tiền đề cho nhau. Phát huy giá trị di sản nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và tạo ra những sản phẩm du lịch. Công việc đòi hỏi có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn sâu rộng.
Phục dựng lễ hội, nghi lễ tâm linh rất cần thực hiện. Phục dựng lễ hội cần giữ nguyên bản, giá trị cốt lõi. Có thể lược giản hoặc thay thế tượng trưng những lễ tiết gây phản cảm, không còn phù hợp. Tuy nhiên, không bỏ qua những lễ tiết chính, mà ở đó mang đậm ý nghĩa nhân văn, tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Mỗi di sản có môi trường sống riêng, đó là cộng đồng dân cư - chủ nhân sáng tạo nên di sản. Tách rời khỏi môi trường di sản khó có thể phát triển lành mạnh. Một khi đã gọi là lễ thì ở đó bao hàm. Trường hợp chỉ có hội mà thiếu vắng yếu tố tâm linh thì chỉ nên gọi là hội.
Nên tránh sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa nghệ thuật dân gian; không cổ xúy tâm lý muốn sự kiện nào cũng đạt độ quy mô, hoành tráng, đạt kỷ lục ghi nét. Nghìn người múa xòe múa có thể, hòa âm một trăm cây đàn tính thì khó. Theo truyền thống, Lồng tông là lễ hội của làng bản, tổ chức vào những ngày khác nhau, người bản này sang bản khác tham dự. Có địa phương tổ chức ở sân vận động huyện, đổ cát để cày tịch điền... đã làm giảm ý nghĩa nguyên bản của lễ. Về việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Chớ gieo vừng ra ngô”. Hiểu là, chớ cải biên cái này thành cái nọ và nhất là không làm giảm hoặc mất đi giá trị vốn có của di sản.
Xây dựng những làng văn hóa dân tộc là điều không thể thiếu. Mỗi làng đại diện văn hóa của một hoặc nhóm, ngành dân tộc. Lâm Bình thì làng văn hóa dân tộc Tày, dân tộc Mông, dân tộc Pà Thẻn; Na Hang thì làng văn hóa ngành Dao Đại Bản; Chiêm Hóa thì làng văn hóa ngành Dao Tiểu Bản; Hàm Yên thì làng văn hóa ngành Dao Áo dài; Sơn Dương thì làng văn hóa ngành Dao Quần chẹt, làng văn hóa dân tộc Sán Dìu; Yên Sơn thì làng văn hóa ngành Dao Quần trắng, làng văn hóa dân tộc Cao Lan... Làng văn hóa có cơ sở lưu trú theo kiến trúc truyền thống, những ngôi nhà sàn mái lá, nhà trình tường mái ngói âm dương, đủ tiện nghi sinh hoạt sạch sẽ, thông thoáng, gắn với cảnh quan thiên nhiên, có cây xanh, hoa trái, núi non, sông suối.
Sản phẩm du lịch được hình thành từ di sản. Trong không gian cơ sở lưu trú của làng văn hóa, du khách được thưởng thức, trải nghiệm giá trị di sản từ sinh hoạt, phong tục, nghi thức tâm linh vòng đời đến phương thức sản xuất, ẩm thực.
Chú trọng tạo tua, tuyến trải nghiệm di sản phi vật thể kết hợp với trải nghiệm di sản vật thể phối hợp các loại hình di sản theo chuỗi. Cần phải tạo lập những tua, tuyến, sản phẩm du lịch mà du khách chưa từng được thưởng thức, trải nghiệm ở bất cứ nơi nào khiến họ hứng thú, yêu thích, mong muốn nhiều lần trở lại.
Áo gấm không mặc đi đêm, quảng bá di sản chẳng những rất cần mà cũng đòi hỏi sự sáng tạo mới mong đạt hiệu quả. Quảng cáo qua các phương tiện truyền thông, trên nhiều nền tảng. Đặc biệt quan tâm đến quảng cáo từ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhạc phẩm, thi phẩm và các tác phẩm văn nghệ nói chung luôn có sức truyền cảm sâu sắc, đem lại hiệu quả dài lâu. Thực hiện chế độ đặt hàng sáng tác kịch bản sân khấu, kịch bản phim nhựa phim truyền hình từ những câu chuyện cổ hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc tốn kém nhưng hiệu quả lớn.
Kết hợp những yếu tố mới gia tăng giá trị di sản. Ở những làng văn hóa rất nên trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương, hướng dẫn du khách trải nghiệm các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm. Hiện tại sản phẩm OCOP của Tuyên Quang khá nhiều: Cam Hàm Yên, bưởi, hồng Xuân Vân, chè shan tuyết Na Hang, chè cấp đông Mỹ Bằng, vịt suối Minh Hương...
Mùa xuân - mùa lễ hội đang đến, là thời điểm khởi phát và thực hiện những dự án bảo tồn, phát huy giá trị biến di sản văn hóa thành tài sản cả về vật chất lẫn tinh thần góp phần làm nên sức mạnh mềm của văn hóa địa phương, văn hóa Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết