Đồ đá ở Phia Vài có nhiều điểm tương đồng với các di chỉ hang động Hoà Bình ở khu vực huyện Bắc Mê (Hà Giang).
Giai đoạn sớm tương ứng với lớp địa tầng mức dưới phân bố ở phía trong khu Bắc. Lớp địa tầng này đất kết vón chứa di cốt động vật bán hóa thạch trong đó có Pongo. Công cụ đá khá hiếm, chỉ gồm những loại hình ghè đẽo thô sơ. Niên đại tương đối cho giai đoạn này vào khoảng trên 10.000 năm đến 13.000 năm cách ngày nay.
Giai đoạn muộn tương ứng với phân vị địa tầng mức trên phân bố chủ yếu ở phía tây - nam khu Bắc, khu Nam và khu Trong mức trên của Phia Vài. Trầm tích địa tầng lớp này khá bở rời, khu Trong mức trên có một số công cụ nằm trong trầm tích nhũ vôi nhưng trầm tích này chỉ có tuổi sơ kỳ Cánh Tân, di cốt động vật chưa hóa thạch, công cụ đá xuất hiện nhiều với một số loại hình cánh tân và chuẩn xác hơn.
Về cơ bản, loại trầm tích và đặc trưng công cụ đá của giai đoạn này tương đương với giai đoạn Hoà Bình muộn thường thấy ở nhiều di tích thuộc hệ thống văn hóa Hoà Bình. Khung niên đại tương đối của giai đoạn này xác định vào khoảng 6.000 năm đến 10.000 năm cách ngày nay.
Hiện đã có 4 niên đại C14 được xác định1 từ các mẫu vỏ ốc núi trong địa tầng hang Phia Vài thuộc phân vị địa tầng mức trên; trong đó, 3 niên đại đầu tương ứng với địa tầng mức trên của di chỉ, nơi chứa những di vật văn hóa thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Hoà Bình. Điều này cũng khá phù hợp với dự đoán: giai đoạn Hoà Bình sớm ở Phia Vài có tuổi khoảng trên 10.000 năm đến 13.000 năm cách ngày nay và xác định Phia Vài là một di tích Hoà Bình sớm.
Như vậy, Phia Vài là di chỉ chứa vết tích văn hóa thuộc nhiều giai đoạn khác nhau của cư dân văn hóa Hoà Bình. Quá trình cư trú của cư dân Phia Vài trải qua 2 mức phát triển văn hóa sớm và muộn: Giai đoạn sớm, vết tích văn hóa của họ được lưu lại trong lớp chứa các di cốt động vật bán hóa thạch và một số công cụ đá. Kết cấu trầm tích lớp này mang đặc trưng của thời kỳ chuyển biến Cánh Tân - Toàn Tân.
Những cư dân này chế tác và sử dụng công cụ cuội ghè đẽo. Ngoài công cụ đá, chưa tìm thấy vết tích văn hóa nào khác. Những cư dân này sống trong điều kiện cổ khí hậu nóng ẩm, hơi khô của giai đoạn chuyển tiếp Cánh tân - Toàn tân (Pleistocene - Holocene) không giống như hiện nay.
Giai đoạn muộn, vết tích văn hóa tìm thấy trong lớp trầm tích chứa xương động vật chưa hóa thạch, số loại hình công cụ đá tăng lên với sự tiến bộ của việc gia công đồ đá. Về cơ bản, những cư dân này sống trong điều kiện khí hậu giống như hiện nay. Nhìn chung phương thức sinh hoạt kinh tế chủ yếu của cư dân Hoà Bình ở Phia Vài là săn bắt và hái lượm; chưa biết đến nông nghiệp, chưa biết làm gốm và có thể đã biết đến kỹ thuật mài ở giai đoạn cuối.
Có thể vào giai đoạn muộn của cư dân văn hóa Hoà Bình ước khoảng 6.000 - 7.000 năm cách ngày nay, khu vực này bị ảnh hưởng của những đợt địa chấn cục bộ, do vậy trần hang bị sập xuống. Cư dân Hoà Bình rời bỏ nơi này; mãi đến giai đoạn Kim khí, hang được sử dụng lại làm nơi chôn cất người chết.
Cư dân Phia Vài có mối giao lưu rộng với các nhóm cư dân cổ khác trong khu vực, nhưng vẫn bảo lưu nét riêng biệt sắc thái vùng: Qua phân tích di tích, di vật, các nhà khảo cổ cho rằng: Cư dân tiền sử Phia Vài có chung phương thức cư trú, phương thức kiếm sống, cách thức chôn cất người chết cũng như hành vi chế tác công cụ giống như bao cư dân Hoà Bình khác ở vùng Hoà Bình, Thanh Hóa, Sơn La,...
Trong bối cảnh khu vực, đồ đá ở Phia Vài có nhiều điểm tương đồng với các di chỉ hang động Hoà Bình ở khu vực huyện Bắc Mê (Hà Giang). Các di chỉ Đán Cúm và Nà Chảo cũng nằm ở lưu vực sông Gâm cách Phia Vài không xa, khoảng 40 - 60km về phía thượng nguồn. Công cụ đá ở Đán Cúm và Nà Chảo cũng đều phổ biến những công cụ cuội ghè đẽo thô sơ kiểu chopper, chỉ ghè chút ít ở đầu cuội để làm rìa lưỡi, ít ghè tu chỉnh. Ngoài ra, ở hai di chỉ này cũng giống như Phia Vài khá phổ biến những công cụ mảnh đá dạng vỏ trai, một mặt còn vỏ cuội, sản phẩm của kỹ thuật bổ cuội. Nhìn chung, có thể xếp Phia Vài vào một phụ hệ thống kỹ thuật đặc thù, trong đó có Đán Cúm và Nà Chảo.
Sự tương đồng này có thể giải thích bằng sự tương đồng về môi trường sinh thái nhưng cũng còn những nhân tố khác liên quan đến truyền thống nhân văn do sự gần gũi về mặt địa lý. Có thể coi Phia Vài, Đán Cúm và Nà Chảo là một dạng hình địa phương của văn hóa Hoà Bình lưu vực sông Gâm. Mặt khác, sự có mặt của vỏ ốc biển Cyprea arabica trong cách thức khâm liệm của người Phia Vài cũng cho thấy có mối giao lưu, trao đổi giữa cư dân ở đây với cư dân vùng biển. Đây là nét mới rất thú vị khi nghiên cứu mối quan hệ của người Phia Vài trong bối cảnh rộng hơn.
(Còn nữa)
Thảo Linh
(Theo Địa chí Tuyên Quang)
Gửi phản hồi
In bài viết