Đoàn công tác của Bảo tàng Quốc gia Lào tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào.
Khi nhắc tới Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô 1, chúng ta sẽ nhớ tới địa danh ghi dấu ấn đậm nét về sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc trong vùng của xã Phiêng Khoài đối với người chỉ huy của Ban xung phong Lào Bắc là Chủ tịch Kaysone Phomvihane (Cay-xỏn Phôm-vi-hản). Cũng tại nơi đây đang lưu giữ hàng trăm hình ảnh, hiện vật minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước nói chung và giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng.
Tình cảm đặc biệt Việt-Lào
Bản Lao Khô 1 là nơi nuôi giấu Chủ tịch Kaysone Phomvihane trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc gồm 14 đồng chí Việt Nam và Lào được thành lập. Trên đường hành quân để tuyên truyền, mở rộng lực lượng đã dừng chân tại Phiêng Sa, nay là bản Lao Khô 1.
Trong thời gian từ năm 1948 đến cuối năm 1949, đồng chí Kaysone Phomvihane và Ban xung phong Lào Bắc đã được người dân bản Phiêng Sa nuôi giấu và cho mượn đất để xây dựng cơ sở cách mạng, trong đó có ông Tráng Lao Khô, dân tộc H’Mông, là người trực tiếp dẫn đường đưa Ban xung phong Lào Bắc và cán bộ nước bạn Lào và trực tiếp vào rừng hoạt động, tiếp tế lương thực để nuôi cán bộ Việt Minh.
Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng ông Tráng Lao Lử, con trai ông Tráng Lao Khô vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, ông xúc động nhắc lại những câu chuyện đã được cha mình kể về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Năm đó, tôi 10 tuổi, vinh dự hai lần theo bố mang cơm vào rừng cho Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Những kỷ niệm về tình bạn đặc biệt với Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn được gia đình tôi và người dân nơi đây trân trọng, coi đó là niềm vinh hạnh trong cuộc đời. Bố tôi thường xuyên kể lại những câu chuyện này cho con cháu nghe và nhắc nhở mọi người phải gìn giữ sự đoàn kết, tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước”.
Cầm trên tay những kỷ vật, bằng khen của bố mình, ông Lử xúc động nhớ lại một trong những câu chuyện từng được bố ông kể lại: “Đó là vào năm 1951, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã cho người liên lạc đến gặp bố tôi (ông Tráng Lao Khô). Lúc đó bố tôi đã đưa 50 đồng bạc trắng cho người liên lạc để ủng hộ mua vũ khí. Sau khi mua được súng đạn, ông Kaysone Phomvihane đã có một biên nhận gửi cho cha tôi và gia đình đã hỗ trợ cho cách mạng Lào. Tờ biên nhận ấy bố tôi dắt vào cái cây trên mái nhà. Sau này khi dỡ mái làm lại nhà, mở ra thì đã bị hỏng hết, nhưng tình nghĩa của gia đình tôi với Chủ tịch Kaysone Phomvihane không bao giờ phai nhạt”.
Qua câu chuyện được ông Tráng Lao Lử kể về cha mình và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, có thể thấy dù điều kiện còn nhiều khó khăn, người dân Sơn La nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn hết lòng sẻ chia, giúp đỡ nước bạn Lào trong bất cứ giai đoạn và hoàn cảnh khó khăn nào. Mối quan hệ hữu nghị này đã và đang khắc sâu thêm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt của người dân bản Lao Khô 1 nói riêng và nhân dân Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào.
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn đó, Khu di tích cách mạng Việt Nam-Lào đã được khởi công vào năm 2012, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 6/7/2017, đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977- 18/7/2017).
Địa danh của tình hữu nghị
Theo con đường chính từ trung tâm xã Phiêng Khoài đến bản Lao Khô 1 là Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào nổi bật giữa cánh rừng xanh ngát. Khu di tích được quy hoạch trên diện tích gần 50ha, gồm các hạng mục: Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam-Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam-Lào; nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane... Đầu năm 2022, Khu di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Bí thư Huyện ủy Yên Châu Tòng Thế Anh cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới rất vui mừng, tự hào khi Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và càng phấn khởi hơn khi được biết nhân dân bản Lao Khô 1 luôn đồng lòng chung sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy tốt giá trị của khu di tích. Tự hào hơn nữa là trong bao năm qua, người dân hai bên biên giới đã luôn đoàn kết phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng xã, bản ngày càng giàu đẹp, vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng sâu đậm.
Thông tin thêm về bản Lao Khô 1, ông Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô 1, nói: Bản có 130 hộ đều là người dân tộc H’Mông. Những năm qua, người dân trong bản luôn đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế. Hiện, người dân trong bản đang chăm sóc hơn 100ha mận hậu, xoài, chanh leo; chăn nuôi 6.000 con gia súc, gia cầm các loại; đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng đoàn kết xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị.
Phát huy những giá trị của khu di tích, huyện Yên Châu đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Sơn La kiện toàn lại Ban quản lý Khu di tích. Đồng thời, nghiên cứu, sưu tầm bổ sung các tư liệu, hiện vật liên quan để trưng bày, giới thiệu; tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho hướng dẫn viên người địa phương để có thể truyền tải đầy đủ nội dung, giá trị, ý nghĩa của di tích tới du khách. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về khu di tích để thu hút khách tham quan; gắn việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của khu di tích với phát triển du lịch của huyện.
Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử, tình cảm gắn bó máu thịt của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào cũng như với nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô 1 còn là nguồn tư liệu lịch sử quý giá. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau và biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Gửi phản hồi
In bài viết