Quang cảnh buổi lễ.
Lễ hội ra đời cùng với sự hình thành Trường Lăng - lăng Ông đầu tiên của người Việt tại Quy Nhơn vào đầu triều Nguyễn, thuộc địa phận thôn Lý Hòa ngày nay.
Theo sử liệu, Trường Lăng được thành lập muộn nhất là năm 1815. Đến năm 1839, làng Xương Lý được lập địa bạ chính thức, và hương chức làng đã chọn vị trí linh thiêng để tái thiết, xây dựng Lăng Ông Nam hải Xương Lý tại triền núi Đơn thuộc thôn Lý Chánh. Lễ hội cầu ngư từ Trường Lăng được tổ chức để nghinh thần về Lăng Ông Xương Lý mới vào năm 1839.
Với điều kiện tự nhiên ưu việt và không gian vạn chài Xương Lý, lễ hội đầu tiên xuất hiện vào năm 1815. Đến năm 1839, không gian chính của lễ hội được chuyển về bến đầm Xương Lý (vũng Nồm) và đầm Hưng Lương (vũng Bấc).
Hai làng Xương Lý và Hưng Lương đã hình thành hai ban vạn cổ truyền, song hành và gắn kết, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của bán đảo Nhơn Lý, đồng thời mở cửa thông thương và giao lưu văn hóa.
Theo dòng chảy thời gian, làng chài Vũng Nồm - Xương Lý đã phát triển nhiều nét văn hóa đặc trưng vùng biển được diễn ra tại Vạn đầm, lăng Ông và đình làng Xương Lý. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là sự kiện trọng đại hàng năm của ngư dân, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được giữ gìn và phát huy, lan tỏa trong cộng đồng.
Lễ hội có quy mô lớn và gắn liền với nghề biển địa phương. Hằng năm, lễ hội chính thức diễn ra trong ba ngày 9, 10 và 11 tháng Giêng âm lịch. Ngày nay, lễ hội được kéo dài thêm với nhiều hoạt động dân gian và biểu diễn nghệ thuật như Hát bội, Bài chòi và hội chọi gà dân gian.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý thể hiện rõ sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, lan tỏa giá trị văn hóa trong tương lai qua các hoạt động.
Đây là dịp để người dân hiểu hơn về vùng đất cảng biển và vai trò của vạn đầm đối với đời sống kinh tế-văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ. Từ trạm dừng chân của con đường tơ lụa trên biển, đến nay, vạn chài mang nhiều trầm tích văn hóa và ngư dân luôn thể hiện trách nhiệm gìn giữ và phát huy.
Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Quy Nhơn đã không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích và di sản văn hóa.
"Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý" là một biểu tượng của sự bảo tồn và phát triển bền vững không chỉ riêng vùng đất Quy Nhơn mà còn lan tỏa trong không gian văn hóa của toàn tỉnh Bình Định.
Việc công nhận và tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý" không chỉ là một nguồn cổ vũ, động viên mà còn là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Quy Nhơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết