Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Yair Lapid gặp đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại
của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell trong chuyến thăm vừa qua.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm vừa mới kết thúc đầu tuần này của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Yair Lapid, người đồng cấp của Đức Heiko Maas nhấn mạnh, đây là “dấu hiệu tốt đẹp” và EU đang lựa chọn cách thức nối lại các cuộc họp của Hội đồng Hiệp hội EU - Israel để cải thiện quan hệ giữa hai bên. Đồng tình với nhận định này, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết, EU hy vọng quan hệ với chính quyền mới của Israel sẽ có sự khởi đầu tốt đẹp. Dựa trên kết quả tích cực của chuyến thăm, dự kiến tới đây, EU sẽ xem xét để Israel tham gia chương trình “Một châu Âu sáng tạo”, hỗ trợ hàng tỷ euro cho giới nghệ sĩ ở nhiều quốc gia thực hiện ý tưởng bảo vệ các di sản văn hóa trong khu vực.
Tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Israel đã diễn ra nhiều năm qua do sự bất đồng với những quyết sách mà Tel Aviv đã thực hiện đối với Palestine. Chính vì những bế tắc không được giải quyết dẫn tới việc các cuộc họp thường niên của Hội đồng Hiệp hội EU - Israel đã buộc phải dừng lại từ năm 2012.
Cho đến nay, EU luôn bảo lưu quan điểm không công nhận chủ quyền của Israel tại các vùng lãnh thổ mà quốc gia này chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967, bao gồm cả các khu Bờ Tây và Đông Jerusalem, nơi người Palestine đang hy vọng sẽ thành lập một nhà nước. Liên minh này cũng đã lên tiếng chỉ trích việc xây dựng các khu định cư của Israel và đã tiến hành dán nhãn hàng hóa được sản xuất từ các khu định cư ở Bờ Tây. Đỉnh điểm của những căng thẳng giữa hai bên được ghi nhận vào cuối năm 2015, khi Israel bác bỏ quyết định của EU trong việc dán nhãn các sản phẩm được làm ra từ các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây.
Tel Aviv luôn cáo buộc EU có xu hướng thiên vị Palestine. Cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lúc còn đương nhiệm đã nhấn mạnh, EU là hiệp hội các quốc gia duy nhất trên thế giới gắn các điều kiện chính trị làm điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ với Israel. Cụ thể, EU yêu cầu phải giải quyết xung đột Israel - Palestine trước khi thắt chặt quan hệ thương mại với Israel. Theo ông Benjamin Netanyahu, việc này đã làm nguy hại tới an ninh và các lợi ích kinh tế của cả khối.
Các nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại của Israel dưới thời tân Thủ tướng Naftali Bennett sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn cho mối quan hệ với EU và hướng giải quyết xung đột ở Trung Đông. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Yair Lapid cũng đã nhấn mạnh sự ủng hộ với giải pháp hai nhà nước để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm có những biện pháp cụ thể cho vấn đề này. Ngoài ra, trong cuộc tranh cãi liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran, Thủ tướng Naftali Bennett cũng có quan điểm ôn hòa hơn đối với Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Trước đây, người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu là nhân vật ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc rút khỏi JCPOA và duy trì quan điểm cứng rắn với Iran, đối lập với phương thức làm việc của EU về vấn đề này.
Dư luận quốc tế kỳ vọng, chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Yair Lapid tới EU cùng thái độ thiện chí giữa hai bên sẽ nhanh chóng mở ra chương mới trong quan hệ song phương, góp phần vào nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết