Chiều tối 14-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rời Berlin lên đường thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden.
Chuyến thăm được cho nhằm "tái khởi động" quan hệ song phương sau giai đoạn băng giá thời chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Theo chương trình nghị sự, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc gặp với Phó Tổng thống Kamala Harris để thảo luận về quan hệ song phương, sau đó bà sẽ dự cuộc thảo luận với đại diện giới doanh nghiệp Mỹ, đón nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Johns Hopkins.
Trọng tâm nghị sự trong ngày 15-7 là cuộc thảo luận với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.
Tổng thống Biden cùng Đệ nhất phu nhân, Tiến sĩ Jill Biden sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi Thủ tướng Merkel cùng phu quân của bà là Giáo sư, Tiến sĩ Joachim Sauer.
Chính phủ Đức cho biết, trong một bài phát biểu về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hồi tháng 5-2021, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan trọng nhất của châu Âu và là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức, chia sẻ nhiều nhất giá trị và lợi ích với Đức.
Bà Merkel cũng cho rằng, ngoài các cuộc tiếp xúc chính trị, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương cần được phát triển rộng rãi nhất có thể, đặc biệt về kinh tế và giao lưu nhân dân, nhất là với giới trẻ.
Về phần mình, trong một thông báo mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki xác nhận chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Đức sẽ góp phần củng cố mối quan hệ sâu sắc và bền vững giữa Mỹ và Đức, trong đó hai bên sẽ hướng tới các vấn đề tương lai cũng như thảo luận về một số vấn đề như Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2); quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Trong chuyến thăm Đức hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã khẳng định, trên thế giới, Mỹ không có đối tác nào tốt hơn Đức. Ông cũng đề cao sự hợp tác giữa Đức và Mỹ trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trong khi Thủ tướng Merkel tới Washington, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tới Michigan nhằm tìm kiếm sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống Covid-19, cụ thể là cải thiện chuỗi cung ứng và mở rộng năng lực sản xuất nhiều loại vắc xin chất lượng cao hơn trên thế giới.
Phát biểu trước khi lên đường tới Mỹ, Ngoại trưởng Maas cảnh báo nếu không có sự đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vắc xin thì Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng cần bị đánh bại.
Sau Michigan, ông Maas sẽ tới New York để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Libya.
Gửi phản hồi
In bài viết