Theo WHO, tỷ lệ mắc mới tăng cao nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải (25%), tiếp đó là châu Âu (20%), Đông Nam Á (16%), Tây Thái Bình Dương (15%) và châu Phi (5%). Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm ở khu vực châu Mỹ (3%). Trong khi đó, tỷ lệ tử vong đã tăng mạnh ở khu vực châu Phi (50%) và Đông Nam Á (26%), giảm 11% ở châu Mỹ.
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại một bến phà ở Banda Aceh, Indonesia.
Châu Âu
Ngày 14-7, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng khi cho rằng việc tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 của các hãng dược phẩm đã được cấp phép lưu hành là "rất quan trọng" để có thể bảo vệ tối đa trước biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao.
EMA cho biết biến chủng này đang lây lan nhanh chóng tại châu Âu và có thể làm tổn hại nghiêm trọng những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã đạt được. Do đó, EMA kêu gọi các quốc gia phải tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 để giảm nguy cơ xuất hiện thêm các biến chủng mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu ước tính số ca nhiễm biến chủng Delta có thể chiếm đến 90% số ca bệnh tại EU vào cuối tháng 8 tới.
Bộ Y tế Cộng hòa Séc cho biết ngày 13-7 nước này đã ghi nhận thêm 317 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Kể từ ngày 8-6, đây là lần đầu tiên mức tăng hằng ngày ở nước này vượt quá 300 trường hợp. Theo Bộ trưởng Y tế Adam Vojtech, từ tháng 9 tới, những người chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 có thể sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả phí làm xét nghiệm.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô London, Anh tiếp tục yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19-7, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng, chống dịch.
Hy Lạp yêu cầu người dân phải có chứng nhận đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mới được phép tới các nhà hàng, quán bar và quán cà phê phục vụ trong nhà. Đây là một trong các biện pháp nhằm cứu vãn mùa du lịch hè của Hy Lạp. Vốn dựa khá nhiều vào ngành du lịch, Hy Lạp đang tìm cách để mở lại toàn bộ nền kinh tế. Tới nay, đã có khoảng 41% người Hy Lạp được tiêm đủ liều vắc xin.
Châu Á - châu Đại dương
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh tại Lào đã có những tín hiệu tích cực khi nước này không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, toàn bộ 75 ca mắc mới đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tuy nhiên, Bộ Y tế Lào vẫn lo ngại trước sự nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến chủng Delta vào nước này khi lao động Lào trở về từ Thái Lan - nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Campuchia thông báo 5.104.846 người, gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Campuchia đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh khiến số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng.
Ngày 14-7, Malaysia ghi nhận thêm 11.618 ca mắc mới, là ngày thứ hai liên tiếp, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc mới ở Malaysia gần đây tăng mạnh là do tăng cường năng lực xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.
Số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Indonesia lần đầu vượt ngưỡng 50.000 ca, lên tới 54.513 ca, nâng tổng số ca mắc lên 2.670.042 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Indonesia ở mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện Indonesia đang là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc mới Covid-19 trong một ngày và là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Indonesia bắt đầu tiêm phòng Covid-19 toàn quốc từ ngày 13-1 vừa qua với mục tiêu tiêm cho ít nhất 181,5 triệu người để đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến ngày 13-7, quốc gia này đã tiêm đủ hai mũi vắc xin cho 15.190.998 người, trong khi 36.914.607 người khác đã được tiêm 1 mũi.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Philippines thông báo sẽ cấm những người đến từ Indonesia hoặc có lịch sử đi lại gần đây tới Indonesia nhập cảnh. Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 16 đến 31-7. Philippines cũng quyết định gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 7 quốc gia "nguy cơ cao" gồm Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đến ngày 31-7, để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta.
Tại Australia, chính quyền bang New South Wales quyết định gia hạn phong tỏa thành phố Sydney thêm ít nhất 14 ngày, sau khi các biện pháp hạn chế áp dụng trong 3 tuần trước đó không dập tắt được đợt bùng phát dịch mới nhất. Theo đó, lệnh phong tỏa sẽ được duy trì cho đến ngày 30-7, thay vì ngày 16-7 như dự kiến trước đó. Trong 24 giờ qua, Sydney ghi nhận 97 ca mắc mới, trong đó có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Châu Mỹ
Các bệnh viện và những cơ sở y tế khác nên yêu cầu các nhân viên của họ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 - khuyến cáo này được đưa ra ngày 13-7 (giờ địa phương) trong một tuyên bố chung của Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe dịch tễ Mỹ, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm và 5 tổ chức y tế khác của Mỹ.
Dù là nước có nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, nhà chức trách Mỹ đang gặp khó khăn khi thuyết phục những người vẫn còn do dự về vắc xin đi tiêm. Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu đến ngày 4-7, có 70% số người trưởng thành tại nước này được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19, song con số thực tế chỉ đạt 67,7%. Hiện số ca mắc gia tăng mạnh tại những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp do biến chủng Delta hoành hành.
Gửi phản hồi
In bài viết