Bộ Tư pháp

- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trụ sở của Bộ Tư pháp thay đổi nhiều nơi, song phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Từ tháng 4 đến tháng 10-1947, Bộ Tư pháp ở thôn Đồng Min, xã Bình Yên, huyên Sơn Dương. Sau đó chuyển đến xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (giai đoạn từ 1947 đến 1949).

Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội về nguồn tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp ở thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.

Tháng 10-1949, Bộ chuyển về làm việc tại xóm Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương đến tháng 9-1950. Cuối năm 1950, Bộ Tư pháp chuyển đến thôn Nà Lá, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa và làm việc tại Nà Lá đến cuối năm 1952. Trong thời gian này một bộ phận cơ quan Bộ chuyển đến làng Hương, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Từ cuối năm 1952 đến năm 1953, cơ quan Bộ làm việc tại ấp Cả Tụ, thôn Hoàng Pháp, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn. Từ 1953 đến tháng 7-1954, ở và làm việc tại thôn Đồng Giang, xã Công Đa, huyện Yên Sơn.

Luật sư Vũ Đình Hòe là Bộ trưởng, Thứ trưởng là luật sư Trần Công Tường. Tổ chức của Bộ gồm Văn phòng và các vụ, nha:

- Vụ Dân sựdo luật sư Đinh Gia Trinh làm Vụ trưởng;

- Vụ Hành chính tư pháp do luật sư Vũ Trọng Khánh làm vụ trưởng;

- Vụ Hình sự do ông Nguyễn Văn Hưởng làm Vụ trưởng;

- Nha viên chức kế toándo ông Nguyễn Duy Thụ phụ trách.

Ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 72-SL thành lập Hội đồng Tu luật gồm 25 thành viên, trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà trí thức. Hội đồng có nhiệm vụ thảo những dự án luật, bộ luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức và sắp xếp công việc của Hội đồng Tu luật.

Trong kháng chiến, Bộ Tư pháp đã từng bước hoàn thiện các thể chế tư pháp. Phối hợp với các cơ quan Chính phủ, Ủy ban hành chính các cấp giám sát việc thực thi pháp luật, thống nhất quản lý ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Bộ Tư pháp có những đóng góp quan trọng trong việc soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật, từng bước xây dựng và hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản của nền tư pháp dân chủ, góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân, phục vụ công cuộc kháng chiến. Đồng thời Bộ làm tốt công tác đào tạo cán bộ; quản lý, tổ chức giảng dạy các lớp đại học pháp lý, mở lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ trung, cao cấp ngành tư pháp của Bộ và các tỉnh, cung cấp đội ngũ thẩm phán nắm vững pháp luật cho địa phương.

Theo Địa chí Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục