Từ trái qua phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi). Ảnh: Reuters.
Chương trình nghị sự của hội nghị nhằm vạch ra lộ trình tương lai của BRICS với nhiều nội dung như: Thắt chặt hợp tác kinh tế giữa các thành viên; thảo luận biện pháp tăng cường huy động vốn và cho vay bằng nội tệ trong Ngân hàng phát triển mới (NDB), hay còn gọi là Ngân hàng BRICS; mở rộng hợp tác với các quốc gia khác...
Tuy nhiên, những dấu hiệu chia rẽ đã xuất hiện trước cuộc tranh luận về khả năng mở rộng của nhóm. Theo Nam Phi, nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS kiêm chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh 2023, có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập diễn đàn. Trong số các nước này có Iran, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Argentina, Algeria, Bolivia, Indonesia, Ai Cập, Ethiopia, Cuba, Gabon, Kazakhstan…
Các quốc gia nói trên xem BRICS là một lựa chọn thay thế cho các thể chế khác đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây. Họ hy vọng địa vị thành viên BRICS sẽ giúp đạt được nhiều lợi ích, gồm nguồn vốn cho phát triển và tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư.
Iran, quốc gia sở hữu khoảng 1/4 trữ lượng dầu lửa ở khu vực Trung Đông, đã bày tỏ hy vọng rằng, cơ chế kết nạp thành viên của BRICS sẽ được quyết định trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng dường như chưa nhận được sự ủng hộ của Brazil. Lập trường của nước này là quan tâm đến sự gắn kết của BRICS và bảo toàn không gian của một nhóm quốc gia quan trọng.
Theo thông tin mới nhất, Tổng thống nước này, ông Luiz Inacio Lula da Silva chỉ ủng hộ việc kết nạp thêm Argentina, đồng thời cho rằng BRICS không phải là một tổ chức đa phương chính thức, chỉ tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Mỹ”.
Nhận định của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cho thấy sự khác biệt về tầm nhìn giữa các thành viên trong nhóm BRICS.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cũng tỏ ra thận trọng về vấn đề này khi đưa ra cảnh báo không nên mở rộng một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Nam Phi có chung quan điểm ủng hộ sự mở rộng của BRICS. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhận định: "Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị thượng đỉnh sẽ là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của cơ chế BRICS".
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết trong cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình rằng, hai nước có quan điểm tương tự về vấn đề mở rộng. Ông khẳng định: “BRICS là một diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách quản trị toàn cầu và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác trên toàn thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết