Tuyên bố trên do Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc Park Ku-yeon đưa ra tại một cuộc họp liên quan đến việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển sẽ được tiến hành vào ngày 24-8.
Hồi tháng 7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã phê duyệt kế hoạch này sau khi xác nhận nước thải đã qua xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại cuộc họp, ông Park Ku-yeon cho biết, Hàn Quốc sẽ yêu cầu Nhật Bản dừng xả thải ngay lập tức nếu nồng độ phóng xạ trong nước vượt mức tiêu chuẩn. Hai bên cũng đã nhất trí thiết lập đường dây nóng kép giữa các cơ quan quản lý và ngoại giao để nhanh chóng chia sẻ thông tin trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường.
Nhật Bản sẽ xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24-8. Ảnh: Reuters
Theo Yonhap, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức 3 vòng đàm phán để thảo luận các biện pháp tiếp theo, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề nghị Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho phép các chuyên gia Hàn Quốc tham gia giám sát quá trình xả nước thải từ nhà máy Fukushima.
Ngoài ra, Hàn Quốc và IAEA cũng đã nhất trí thành lập “Cơ chế thông tin IAEA - Hàn Quốc Fukushima”. Thông qua cơ chế này, IAEA có thể cung cấp cho Hàn Quốc những thông tin mới nhất về kế hoạch xả thải của Nhật Bản, cũng như thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến trong giai đoạn đầu.
Nhật Bản cũng sẽ cung cấp những dữ liệu về nồng độ phóng xạ, lưu lượng dòng chảy của nước thải, nồng độ đồng vị phóng xạ tritium vẫn tồn tại sau quá trình xử lý thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). Những dữ liệu này sẽ được cập nhật theo giờ và bằng tiếng Hàn Quốc.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima là nơi lưu trữ hơn 1,3 triệu tấn nước thông qua ALPS. Sau trận động đất năm 2011 khiến phóng xạ từ nhà máy này bị rò rỉ, Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh Nhật Bản gần Fukushima kể từ năm 2013.
Kể từ cuối tháng 7, Hàn Quốc đã tiến hành kiểm tra, giám sát bức xạ thường xuyên tại 200 địa điểm trong hải phận. Quốc gia này sẽ mở rộng phạm vi các khu vực giám sát thường xuyên ra ngoài phạm vi lãnh hải và sẽ xúc tiến nghiên cứu chung về bức xạ với các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương vào năm 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết