Các chuyên gia Bệnh viện K và Nhật Bản cùng phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật.
Mới đây, các chuyên gia Bệnh viện K, chủ trì là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực và các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã có buổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị cũng như phẫu thuật robot trong ung thư phổi.
Giáo sư Satoshi Nagasaka đã cùng thảo luận và tiến hành mổ thị phạm Phẫu thuật nội soi bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi điều trị ung thư phổi cho bệnh nhân nam, 59 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện K.
Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng ho khan kéo dài, tuy nhiên chỉ nghĩ là bệnh hô hấp thông thường nên không tới khám. Chỉ tới khi các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng, không thuyên giảm thì bệnh nhân mới tới Bệnh viện K để thăm khám.
Bệnh nhân sau khi vào viện được chẩn đoán ban đầu là ung thư phổi, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân có khối u thùy trên phổi phải kích thước khoảng 2,5cm với tính chất hình ảnh điển hình của khối u ác tính.
Các bác sĩ đánh giá toàn thân bệnh nhân không có di căn, chức năng phổi và tim mạch ở mức bình thường, các chuyên gia Bệnh viện K và chuyên gia đến từ Nhật Bản đã cùng hội chẩn trước mổ và trao đổi với gia đình người bệnh để tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư phổi với hệ thống nội soi Robot Davinci thế hệ Xi.
Bệnh nhân được phẫu thuật thành công.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực kết hợp thực hiện ca mổ, thảo luận cùng các chuyên gia Nhật Bản tiến hành phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải và vét hạch hệ thống bằng robot cho bệnh nhân.
Ca mổ được theo dõi và trao đổi trực tiếp với nhiều chuyên gia đến từ các bệnh viện khu vực. Sau 3 giờ, ca phẫu thuật đã thực hành thành công, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam năm 2020, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này. |
Ngày nay với sự phát triển y học hiện đại, bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được phát hiện sớm hơn, tuy nhiên chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm có khả năng phẫu thuật. Phẫu thuật luôn luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi.
Phó Giáo sư Phạm Văn Bình cho biết, phẫu thuật mổ mở ung thư phổi là phương pháp kinh điển được áp dụng trong điều trị ung thư phổi từ rất lâu. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân, quá trình phục hồi cũng vì thế mà lâu hơn, cảm giác đau nhiều hơn.
Với phương pháp mới nhất, hiện đại nhất hiện nay, thì phẫu thuật robot đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong y học, trong đó có phẫu thuật lồng ngực.
Phẫu thuật robot điều trị ung thư phổi có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường, đó là: Hình ảnh quan sát rõ nét, các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác.
"Phương pháp phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm vượt trội rõ ràng trong bảo đảm thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được bảo đảm.
Chúng tôi cũng rất vui mừng vì ca phẫu thuật ung thư phổi bằng hệ thống Robot Dacinci Xi lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện K, đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật robot tại bệnh viện", bác sĩ Bình cho hay.
Thế hệ Robot da Vinci Xi là thế hệ robot tiên tiến nhất hiện nay và là hệ thống duy nhất ở Việt Nam được sử dụng tại Bệnh viện K. Bệnh viện K đã ứng dụng hệ thống này để điều trị thực hiện các ca phẫu thuật trong ung thư đường tiêu hóa, ung thư đầu cổ, phụ khoa, tiết niệu...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình cho biết, biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp. Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu,...
"Những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích ... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời", bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết