Ký kết hợp đồng sản xuất trồng dưa chuột sạch với 100 hộ dân trên địa bàn 4 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và Na Hang, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước khi cung ứng cho bạn hàng. Ông Phúc cho biết, hợp tác xã ký hợp đồng với HTX kinh doanh dịch vụ sản phẩm nông nghiệp An Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), mỗi ngày 20 tấn dưa chuột chất lượng để cung ứng vào chuỗi Siêu thị Big C và các bếp ăn khu công nghiệp tại Hà Nội và chế biến dưa thái lát xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Bắt đầu từ năm 2019, hợp tác xã đã hợp đồng với bà con nông dân trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn. Tham gia sản xuất, nông dân được hợp tác xã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm sau thu hoạch hợp tác xã sẽ thu mua trở lại. Từ việc thiết lập được mối liên kết sản xuất, hợp tác xã không những chủ động được nguồn hàng, chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo, bởi suốt cả quy trình gieo trồng, chăm sóc đều đã được theo dõi và giám sát. Mục tiêu của hợp tác xã trong năm 2021 mở rộng quy mô sản xuất từ 40 ha hiện nay lên 60 ha để đáp ứng nhu cầu của bạn hàng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình trồng bưởi hữu cơ
của HTX Cây ăn quả hữu cơ xã Phúc Ninh (Yên Sơn).
HTX Sơn Trà xã Hồng Thái (Na Hang) cũng trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi sản xuất chè đặc sản của tỉnh. Ông Hoàng Phin, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, phấn khởi cho biết, năm 2018 đến nay ông ký hợp đồng, chè tươi thu hái đến đâu cân ngay cho HTX, giá trị kinh tế vẫn đảm bảo mà không phải mất công sức sao sấy nên nhàn hơn rất nhiều. Ông Phin bảo, liên kết sản xuất ông biết cách khai thác cây chè để tăng thêm thu nhập, không như trước không ai thu mua chè bị bỏ hoang nhiều.
Anh Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà khẳng định, HTX ký kết sản xuất với 100 hộ trồng chè đặc sản Shan tuyết trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình. Để bà con yên tâm sản xuất, HTX hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đồng thời thực hiện thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo anh Phố, ký kết được sản xuất HTX chủ động được nguồn nguyên liệu, HTX thuận lợi trong kế hoạch sản xuất, chế biến và cung ứng theo đơn mà không lo “cháy” hàng như trước đây; người trồng chè Shan tuyết tăng thêm thu nhập từ trồng chè.
Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong tổng số 333 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và dịch vụ, có 98 hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Chủ động trong liên kết, hợp tác xã mở rộng được ngành nghề kinh doanh, có thêm nguồn thu; tạo ra nhiều việc làm, thành viên hợp tác xã tăng thu nhập, hơn nữa lượng sản phẩm được sản xuất theo quy trình nhiều hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Đây được coi là bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. Và cũng chính sự liên kết trong chuỗi sản xuất hàng hóa, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã vươn xa, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn quốc. Kết quả khảo sát của ngành Nông nghiệp, đã có ít nhất 47 sản phẩm có nhãn hiệu của tỉnh đang được cung ứng vào chuỗi siêu thị tầm cỡ là Big C, Vinmart...
Ông Trần Văn Phúc (bên trái), Giám đốc Hợp tác xã Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương)
kiểm tra dưa chuột trước khi cho người dân thu hái.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững không thể thiếu vai trò của hợp tác xã. Đây được coi là “mắt xích” quan trọng điều tiết quá trình sản xuất, do đó tỉnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ xây dựng hợp tác xã đáp ứng vai trò tập hợp nông dân, đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp thông qua thực hiện đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã đủ mạnh về năng lực, tâm huyết với công việc, có trách nhiệm với tập thể. Tỉnh đang triển khai hiệu quả Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Trong đó, tạo mọi điều kiện thành lập mới hợp tác xã; hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với hợp tác xã làm ăn hiệu quả; hỗ trợ xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn đối với các hợp tác xã sản xuất sản phẩm; hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa... Thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, với tổng kinh phí thực hiện 75,28 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tổ chức đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã...
Gửi phản hồi
In bài viết