Niềm vui người trồng cam
Gia đình anh Lù Văn Giang, thôn Bản Ban, xã Phù Lưu có 30 ha cam sành, trong đó có 20 ha đã cho thu hoạch. Bình quân hàng năm, gia đình anh thu hơn 300 tấn cam sành. Ngoài trồng cam, anh Giang còn thu mua cam của bà con trong và ngoài xã đi bán các tỉnh miền Nam, miền Trung. Từ đầu vụ đến nay, anh đã xuất hơn 1.000 tấn cam đi các tỉnh. Anh Giang chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với cây cam, thì có 10 năm trực tiếp đưa cam đi bán buôn, bán lẻ các tỉnh thành trong cả nước.
Anh nhớ có chuyến đưa cam sành vào tỉnh Gia Lai bán, người dân ở đây họ rất thích ăn, tuy nhiên, họ lại không biết đến sản phẩm của mình. Họ nghĩ, đấy là quả nhập từ Trung Quốc, thậm chí anh Giang gọt vỏ ăn tại đó, người dân vẫn chưa tin tưởng. Do đó, việc cam sành Hàm Yên được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đó là niềm vui đối với anh Giang và người trồng cam trên địa bàn huyện để đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Đây là cơ hội để cam sành Hàm Yên khẳng định thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm. Người dân yên tâm đầu tư trồng cam hàng hóa.
Xã Phù Lưu được coi là “rốn cam” của huyện với hơn 2.400 ha, trong đó có hơn 130 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Cam là cây truyền thống và cũng chính là cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế
của địa phương. Đồng chí Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, cam sành Hàm Yên được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là tín hiệu vui đối với địa phương. Như vậy, những hộ trồng cam theo quy trình VietGap, hữu cơ sẽ được đăng ký dán tem truy xuất nguồn gốc, giá trị được nâng cao.
Hơn 20 năm gắn bó với cây cam, ông Lương Văn Nho, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành nếm trải đủ vị ngọt bùi cây cam mang lại, nhưng năm nay có lẽ là năm ông vui nhất. Bởi, từ nay sản phẩm cam ông làm ra đã được nâng lên một tầm mới. “Cam sành Hàm Yên có chỉ dẫn địa lý, bản thân là người trực tiếp trồng cam, tôi rất phấn khởi. Đây là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục trồng, chăm sóc cam theo đúng các quy trình kỹ thuật để giữ vững thương hiệu cam, ổn định giá cả bán, tăng thu nhập cho gia đình” - ông Nho chia sẻ.
Đưa cam sành đi xa
Huyện Hàm Yên hiện có 7.270 ha cam, trong đó có hơn 700 ha cam trồng theo quy trình VietGAP và khoảng 30 ha cam trồng theo quy trình hữu cơ. Tổng sản lượng cam năm 2020 ước đạt 85.000 tấn. Hiện nay cam sành Hàm Yên đã được tiêu thụ hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc và vươn tới miền Trung, miền Nam. Sản phẩm cũng đã xuất hiện ở các hệ thống bán lẻ nổi tiếng như BigC, Vinmart, Co.opmart... Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, cam sành Hàm Yên là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ký quyết định chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý.
Cam sành Hàm Yên bày bán tại Siêu thị Vinmart Tuyên Quang. Ảnh: Hải Hương
Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên cho biết, việc cấp chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý sẽ giúp sản phẩm cam sành tại địa phương được nâng cấp giá trị thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Qua đó, tăng cơ hội cạnh tranh hơn trên thị trường, quảng bá sản phẩm đến các tỉnh thành trong cả nước và hướng tới xuất khẩu. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên sau khi có chỉ dẫn địa lý, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam cho nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, các kênh truyền thông...
Để cây cam phát triển bền vững, vươn xa, thời gian tới, UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển bền vững cây cam sành. Trong đó tập trung quản lý tốt quy hoạch, giữ ổn định diện tích cam hiện có. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã thị trấn, Hội Cam sành Hàm Yên tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm cam. Tiếp tục tăng diện tích cam được trồng theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch. Song song với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cam sành kết hợp với quản lý chất lượng, tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sản phẩm Cam sành Hàm Yên. Từ đó nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần xây dựng Hàm Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết