Xuân nay đến sớm

- Trải qua một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện, nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa đã vượt qua, đạt kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh. Sức sống các miền quê Chiêm Hóa tươi mới hơn khiến lòng ta xao xuyến, câu thơ năm nào như vang vọng: Xuân đến năm nay, sớm lạ thường/Trời đang rét ngọt, sáng nhiều sương/Ong kêu ong dậy đường hoa vải/Rực lúa chiêm vàng, bướm bướm vàng…

Nét nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện Chiêm Hóa là xây dựng các quy hoạch và tổ chức thực hiện các quy hoạch hiệu quả. Từ các quy hoạch đã tạo ra bước phát triển bền vững, hạn chế tác động xấu từ những biến động của thị trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Quy hoạch phát triển chăn nuôi; Quy hoạch phát triển thủy sản; Quy hoạch phân 3 loại rừng...


Đồng chí Ma Phúc Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành thăm mô hình trồng ớt tại xã Tân Thịnh. Ảnh: K.T

Trong chăn nuôi, Chiêm Hóa nổi tiếng với thương hiệu trâu ngố vóc dáng to cao, tốt thịt, chất lượng thịt ngon được khách hàng ưa chuộng. Trong những năm qua, UBND huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho người nông dân. Toàn huyện hiện có trên 28.495 con trâu, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.020 tấn/năm. Các xã trên địa bàn huyện liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) tổ chức chăn nuôi trâu nhốt chuồng đã mở ra cơ hội lớn cho người dân làm giàu. Từ chăn nuôi trâu, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Trước kia gia đình ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ chỉ chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ. Cách nay không lâu, ông được xã tạo điều kiện đi tham quan học tập mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác sang trồng cỏ để chăn nuôi trâu nhốt chuồng. Sau thời gian thực hiện mô hình, từ 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2019, ông đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò theo hình thức liên kết chuỗi với 50 thành viên. Ông Tuyên cho biết, thời điểm cao nhất, gia đình ông có gần 30 con trâu, bò trong chuồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trâu thịt không xuất bán được ra nước ngoài, ông Tuyên và các thành viên hợp tác xã chuyển hướng chăn nuôi trâu bò sinh sản để cung ứng con giống cho bà con trong vùng, những con trâu, bò đực được hợp tác xã giết mổ, bán thịt cho người dân, nhờ thế thu nhập cũng khá. Nhờ đó mà gia đình ông cũng như nhiều gia đình trong xã có của ăn của để, mỗi năm có cái Tết “xôm” hơn.


Người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) thu hoạch chuối tây. Ảnh: Cao Huy

Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện phát huy lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, ao hồ phát triển chăn nuôi thủy sản, nhất là cá lồng trên sông Gâm. Đến nay, toàn huyện có 505 lồng cá, trong đó có nhiều cá đặc sản như cá chiên, lăng, bỗng. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 2.110 tấn.

Xuân đến tô thắm những cánh đồng chuyên canh lạc, rau màu, những cánh rừng và cây ăn quả bát ngát. Phát triển các vùng chuyên canh đã mang lại cuộc sống no ấm cho người dân. Hiện toàn huyện có trên 2.908 ha lạc, sản lượng trên 9.500 tấn; trên 2.193 ha cây ăn quả, sản lượng trên 16.000 tấn, chủ yếu là chuối, cam. Năm 2020, huyện trồng mới gần 2 nghìn ha rừng, nâng tổng số rừng trồng lên trên 60.000 ha, trong đó có 6.466,5 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 67%. Từ các vùng chuyên canh đã mang lại giá trị to lớn cho người nông dân. Đồng chí Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, hiện toàn xã có trên 450 ha chuối tây, cây chuối đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu từ trồng chuối, mùa xuân như đến gần hơn với người dân Kim Bình. Tiêu biểu như hộ ông Phan Văn Phú, thôn Đèo Nàng, trồng hơn 4 ha chuối; ông Đinh Văn Chương, thôn Kim Quang, trồng hơn 1 ha chuối, kết hợp với chăn nuôi gia súc, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng… Chủ tịch UBND xã Kim Bình Ma Đình Vũ nhấn mạnh, thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch vùng trồng chuối, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu thuốc chữa bệnh sâu đục thân, nấm ở cây chuối để bà con yên tâm sản xuất, bảo đảm cây chuối là cây trồng chủ lực của xã, huyện, mang lại giá trị cao cho người dân…


Người dân xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăn nuôi trâu vỗ béo.  Ảnh: Cao Lâm

Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi hiệu quả là điều kiện quan trọng để huyện xây dựng các sản phẩm chủ lực, đạt tiêu chuẩn OCOP. Chiêm Hóa đã có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là lạc vỏ Phúc Sơn, bánh gai Chiêm Hóa; 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao là rượu hai lần nếp Ông Chấp; rượu chuối xã Kim Bình; cá bỗng, chiên, quất Yên Nguyên; chè Pà Thẻn, chè đinh Linh Phú, thịt trâu khô Hùng Mỹ, cá kho Mạnh Mẽ Hòa Phú, cam Trung Hà và Hà Lang, lạc nhân Phúc Sơn.

Những kết quả đạt được trong phát triển vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi thời gian qua như nhân lên niềm tin cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa thi đua lao động sáng tạo ngay từ đầu xuân mới, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp n

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục