Hành trình xây dựng thương hiệu
Theo những người cao tuổi trong xã kể lại, xa xưa vùng đất Hòa An hầu hết là đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống. Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, những người đi xây dựng vùng kinh tế mới từ các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình lên đây khai khẩn đất hoang. Thấy vùng đất có nhiều thuận lợi, nhiều hộ khi về thăm quê đã không quên mang ít giống cây bưởi như bưởi Soi Hà, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn lên trồng trên đất Hòa An hợp đất, khí hậu. Chất lượng quả đồng đều, ăn ngon không thua kém các giống bưởi chính gốc. Lúc đầu các hộ mới trồng để ăn chơi, sau thấy bán được mới lan ra cả vùng.
Những ngày này, đi trên những cung đường bê tông khang trang dẫn vào các thôn của xã Hòa An đâu đâu cũng thấy những vườn bưởi ngút ngàn, tiếng xe ô tô rầm rầm của thương lái ở các tỉnh miền xuôi đổ về mua bưởi tạo nên không khí náo nhiệt. Anh Bùi Văn Hà, công chức Địa chính - Nông nghiệp xã Hòa An dẫn chúng tôi tới tham quan vườn cây ăn quả rộng hơn 3 ha của anh Lê Thanh Ngoan, thôn Làng Rèn 1. Anh Ngoan cho biết, năm 2006, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi 1ha vườn trồng mía của gia đình sang trồng 40 gốc bưởi Soi Hà, sau 3 năm cây bưởi bói quả và phát triển tốt nên năm 2010 gia đình bắt đầu trồng hàng loạt. Tiếng lành đồn xa, người dân trong xã thấy anh Ngoan có giống bưởi quý đã đến xin giống về trồng, ban đầu chỉ có 1 - 2 hộ dần dần lên đến gần 20 hộ trong xã trồng.
Người dân xã Hòa An (Chiêm Hóa) xây dựng thương hiệu bưởi.
Ông Trần Ngọc Hoa, giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hòa An khẳng định, cây bưởi Soi Hà, bưởi Da xanh, bưởi Diễn đã giúp người dân địa phương đổi đời. Nhà ông có gần 1 ha bưởi Da xanh, mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Trồng cây bưởi Da xanh thực sự không khó, chỉ cần chú ý một tý là làm được. Như bón đầy đủ phân vô cơ, hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, chống ruồi vàng và thường xuyên tưới nước. Giờ người dân ở đây nhận thấy giá trị của cây bưởi da xanh đã tập trung chuyên canh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống khấm khá hơn rất nhiều.
Với tiềm năng đó, ông Hoa suy nghĩ muốn phát triển được một vùng chuyên canh cho các giống bưởi này, thì chính ông và Ban Quản trị HTX phải là những người đi đầu tiên phong. Đồng thời tạo dựng thương hiệu, liên kết sản xuất cho quả bưởi này với tên gọi bưởi “Phú Hải” cho sản phẩm bưởi của địa phương. Khi được hỏi tại sao lại lấy tên Phú Hải để đặt cho sản phẩm bưởi của địa phương, ông Hoa cho rằng, cái tên Phú Hải trước đây là HTX nông nghiệp Phú Hải, lấy tên của 2 xã Khánh Phú và Khánh Hải của huyện Yên Khánh (Ninh Bình) để đặt tên cho HTX, nhưng sau đó HTX giải thể, để ghi nhớ đóng góp cho những người nông dân đầu tiên lên đây xây dựng kinh tế mới ở nơi sở tại, nên HTX đã quyết định đặt tên cho sản phẩm bưởi của địa phương là bưởi “Phú Hải”.
Điều đặc biệt bưởi “Phú Hải” có vỏ màu xanh hơi vàng khi còn non, đến khi chín, vỏ quả chuyển hẳn sang màu vàng, khi ăn có mùi thơm thanh mát, cuốn hút rất đặc trưng. Bưởi “Phú Hải” thường ra hoa vào đầu mùa xuân, đến cuối mùa thu những trái bưởi bắt đầu chín vàng rực báo hiệu quả đã đến độ chín, sẵn sàng cho thu hoạch. Quả bưởi trung bình nặng từ 1,5 - 2 kg đã tạo nên một giống bưởi có chất lượng và hương thơm đặc trưng riêng so với vùng đất khác của tỉnh.
Vườn bưởi rộng hơn 3 ha của anh Lê Thanh Ngoan (bên trái), thôn Làng Rèn 1, xã Hòa An (Chiêm Hóa).
Đặc sản của Hòa An
Đồng chí Hà Công Cương, Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết, nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế từ việc phát triển bưởi “Phú Hải”, xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng bưởi. Ban đầu chỉ manh nha một vài hộ gia đình, đến nay, toàn xã có gần 20 hộ tham gia với diện tích trên 15 ha, tập trung ở các thôn Làng Rèn 1, Lăng Hối, Liên Kết, Chắng Thượng..., niên vụ năm nay, sản lượng bưởi toàn xã ước đạt trên 50.000 quả. Giá bán hiện tại ở vườn là 20 nghìn đồng/quả. Nhiều hộ đã áp dụng quy trình Vietgap, đảm bảo tạo ra sản phẩm chất lượng bưởi ngon, an toàn cho người tiêu dùng.
Tại Hội chợ thương mại - du lịch Tuyên Quang năm 2022 vừa được tổ chức vào đầu tháng 9, sản phẩm bưởi “Phú Hải” của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hòa An đã được bày bán tại hội chợ và được người tiêu dùng, khách du lịch đánh giá rất cao. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa đang hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục cần thiết để trình hội đồng thẩm định xét duyệt sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi của xã. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết