Nặng lòng với quê nghèo
Từ đường Quốc lộ, chúng tôi men theo con đường mòn chừng hơn 1 km rồi đi thuyền mới đến được đến khu sản xuất của anh Nghiệp. Nơi đây là ngách (hồ chứa nhỏ) trên hồ Thủy điện Tuyên Quang. Dưới hồ nuôi cá lồng, bên trên là đồi sơn, tre bát độ, chuồng chăn nuôi dê… được quy hoạch khoa học, ngăn nắp.
Chèo thuyền đưa tôi đi thăm khu vực nuôi cá lồng, anh Nghiệp cười tươi rói:
- Một ngày của vợ chồng tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc 9, 10 giờ đêm. 4 giờ sáng 2 vợ chồng đi cất vó tôm, cá trên lòng hồ.
Sau đó, vợ đem ra chợ bán, tôi ở nhà chăn cá lồng, chiều đi thả dê, chặt măng. Kết thúc 1 ngày cũng là lúc chúng tôi đi thả vó để cho ngày tiếp theo… Việc nhà nông luôn chân, luôn tay nhưng công việc chính là cuộc sống của chúng tôi.
Anh Nghiệp sinh ra và lớn lên ở Đà Vị. Năm 2000, gia đình anh định cư ở khu tái định cư Thủy điện Tuyên Quang tại xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa). So với Đà Vị, Phúc Thịnh có tiềm năng và thuận lợi nhiều hơn. Nhưng anh Nghiệp cứ da diết, khắc khoải khôn nguôi nỗi nhớ quê cũ, cứ trăn trở phải phát triển kinh tế trên mảnh đất nghèo mà bao nhiêu thế hệ của dòng họ, gia đình gắn bó.
Tận dụng địa hình và bãi chăn thả, gia đình anh Nghiệp chăn nuôi dê sinh sản và thương phẩm.
Từ số tiền đền bù, anh dựng nhà ở mới ở xã Phúc Thịnh, vay mượn thêm mua ô tô tải, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu rồi bán tại chợ Đà Vị. Gia đình anh là 1 trong 2 hộ đầu tiên làm dịch vụ “chạy hàng” của xã lúc bấy giờ. Sau gần 4 năm tích lũy, năm 2010, anh Nghiệp mua máy xúc xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn xã Đà Vị và các xã lân cận.
Vốn là người nông dân tay cày, tay cuốc giờ chẳng được làm nghề, anh Nghiệp thấy chân tay bồn chồn, bứt rứt. Thấy đất đồi còn bỏ hoang nhiều, anh Nghiệp tiếc đứt ruột. Năm 2008, anh mạnh dạn trồng hơn 3.000 gốc sơn lấy nhựa. Anh cũng là 1 trong những hộ đầu tiên trồng cây sơn ở khu C Na Hang.
Chuyện đắp đê “khủng” của Nghiệp khùng
Hồ thủy điện Tuyên Quang có 6 tháng cạn, 6 tháng chứa nước. Khi mùa nước cạn, những hộ chăn nuôi cá lồng trên địa bàn xã Đà Vị phải di chuyển lồng cá xuống khu vực hạ lưu thuộc xã Sơn Phú, cách Đà Vị trên 20 km; khi mùa nước ngập lại di chuyển lồng cá về. Quá trình di chuyển lồng cá rất vất vả, ít nhiều làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng đàn. Riêng anh Nghiệp, dẫu mùa nước cạn hay ngập, anh vẫn ung dung bởi anh đã thiết kế thành công 1 con đê. Khi nước trong lòng hồ cạn thì đê đã ngăn, chặn được nước, tạo thành hồ chứa nước nhỏ với diện tích trên 1 ha. 4 năm qua, riêng 5 lồng cá và hàng tấn cá các loại của anh Nghiệp thả trong hồ sống khỏe trong môi trường nước sạch suốt thời gian nước cạn, không bị thất thoát khi nước dâng.
Anh Nghiệp cười bảo:
- Để có thành quả này là bao năm ròng, tôi bị người đời mắng là khùng, điên. Ngẫm lại cũng thấy mình quá liều. Bỏ ra hàng trăm triệu xây đê rồi bỏ không 4 năm liền để thử nghiệm độ xói mòn… Nhưng mà khổ nỗi chưa có ai làm đê như này để mà học hỏi kinh nghiệm. Tôi nghĩ đến đâu, làm đến đấy và thời gian là để chứng minh tôi thành công hay thất bại.
Kể về chuyện nuôi cá trong ngách, làm đê tạo hồ chứa, anh Nghiệp sôi nổi. Năm 2013 có 1 nông dân ở thị trấn Na Hang vào chăn nuôi cá lồng xen cá thả ở eo, ngách hồ thủy điện. Tuy nhiên, mô hình đã thất bại vì khu vực đó vẫn đông thuyền, bè qua lại. Thêm nữa, đăng chắn cá ghim dưới lòng hồ không đảm bảo, cá bị thất thoát nhiều.
Từ thất bại đó, anh Nghiệp nghĩ ngay đến việc làm đê ngăn, chứa nước thành hồ. Đê phải làm hình thang, sau đó xây đường ray bê tông trên mặt đê để ghim 1 đầu đăng lại cho chắc chắn, 1 đầu đăng còn lại được ghim trên hệ thống phao. Có như vậy, nước dâng cao đến mấy, cá vẫn chỉ ở bên trong mà không thể ra ngoài được.
Mô hình chăn nuôi cá lồng của anh Hoàng Văn Nghiệp cho thu nhập ban đầu khoảng 100 triệu đồng/năm.
Năm 2014, nhân lúc nước lòng hồ thủy điện rút cạn, sẵn có máy xúc của gia đình, anh Nghiệp thuê thêm xe lu, ô tô chở đất, đá cuội làm đê. Cứ 1 lớp đất, là 1 lớp đá được lu lèn thật chặt. Trong 1 tháng, đê hoàn thành với trị giá trên 200 triệu đồng.
“6 tháng nước ngập là 6 tháng đê nằm dưới nước, không biết độ xói mòn sẽ ra sao. Làm kinh tế là phải lâu dài, bền vững nên không thể nóng vội được”. Nghĩ vậy nên 4 năm liền, anh Nghiệp bỏ không đê. Dân làng nhiều người nói anh bị điên, thừa tiền vì làm những việc vô bổ chẳng giống ai.
Qua từng năm, con đê vẫn y nguyên, không có biểu hiện của xói mòn, anh Nghiệp mừng không để đâu cho hết. Cuối năm 2018, anh quyết định đầu tư chăn nuôi cá lồng xen với thả cá. Việc đầu tiên, anh Nghiệp làm đường ray bê tông chạy dài 100 m để ghim đăng. Trong đó, 50 m trên mặt đê và mỗi bên sườn đồi 25 m. “Bình thường diện tích mặt nước chỉ có trên 1 ha, nhưng khi mùa nước lớn dâng cao, diện tích tăng lên 5 ha. Nếu không ghim đăng trên sườn đồi thì nước dâng cao, cá vẫn thoát ra ngoài”. Anh Nghiệp giải thích.
Sau đó, anh Nghiệp lặn lội xuống Nam Định để đặt làm đăng theo đúng thiết kế của mình. Hệ thống phao nổi trên mặt nước làm từ thùng phi; đặc biệt phao được hàn với hàng rào sắt kiên cố; đầu còn lại của đăng ghim móc với hàng rào sắt. Cuối năm 2018, anh Nghiệp đầu tư 60 triệu đồng làm lồng nuôi cá lăng đen, lăng đốm, nheo. Bên ngoài lồng anh thả thêm mấy chục cân cá: trắm, chép, mè các loại… 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cá lồng chưa tiêu thụ được nhiều nên anh chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng/năm. Các loại cá khác thả bên ngoài lồng, anh để dành chưa thu, số lượng ước khoảng vài tấn.
Ngoài mô hình nuôi cá độc đáo, anh Nghiệp còn có nguồn thu khủng từ cây sơn và tre bát độ, chăn nuôi dê. Chỉ riêng 1.000 gốc sơn, mỗi năm cho gia đình anh nguồn thu trên 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhiều người khen anh tài, còn anh chỉ xem mình may mắn.
Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, mô hình cải tạo hạ tầng chăn nuôi cá lồng, chăn thả cá sáng tạo của anh Nghiệp được cấp ủy, chính quyền, thành viên đánh giá cao. Vừa rồi, xã hỗ trợ anh Nghiệp thành lập Tổ chăn nuôi cá lồng với 18 thành viên, gần 200 lồng cá. Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, sự sáng tạo, cống hiến của anh Nghiệp đã góp phần cổ vũ, nâng cao vị thế của người nông dân trong thời kỳ hội nhập.
Gửi phản hồi
In bài viết