Bứt phá đổi mới giáo dục

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đây là vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Các địa phương và các cơ sở giáo dục phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực. Toàn ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong hoạt động dạy và học, đạt nhiều kết quả khả quan…

Tuy nhiên trong giai đoạn mới, đòi hỏi người lao động phải năng động, có năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy giải quyết vấn đề, có năng lực sáng tạo, năng lực làm việc nhóm trong không gian toàn cầu. Vì vậy, giáo dục, đào tạo cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thích ứng với thời cuộc, để đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay.

Năm học 2023 - 2024, là năm học đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên diện rộng toàn quốc là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Năm học 2023 - 2024 cũng đánh dấu 10 năm ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 

Với chủ đề năm học 2023 - 2024: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục", lần đổi mới này ngành giáo dục trao quyền chủ động, sáng tạo cho nhà giáo nhiều hơn, nhằm giáo dục theo hướng phát huy năng lực cá nhân của học sinh. Chuyển vai trò của giáo viên từ chủ thể truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh. 

Với những nỗ lực của ngành Giáo dục, toàn xã hội luôn trông mong, kỳ vọng vào những chuyển biến rõ nét, sâu sắc hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước trong thời gian tới.      

  Phương Đông        

Tin cùng chuyên mục