Cá lăng nuôi hơn 1 năm mới đạt trọng lượng thương phẩm 3-4 kg.
Lý giải rõ hơn về điều này, anh Vi Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy sản Nhật Nam phân trần: Đến với nghề cá, anh không chỉ có niềm đam mê mà anh còn kỳ công tìm hiểu về loài cá này. Từ Bắc vào Nam, cứ địa phương nào nổi tiếng có nghề nuôi cá lăng là anh đến học hỏi. Anh nhận thấy, cá lăng Tuyên Quang chuẩn vị hơn cả. Môi trường nước ở sông Lô và sông Gâm vô cùng trong lành nên cá rất thơm ngon. Hơn thế, những người nuôi cá ở đây còn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên (cá con) nên chỉ cần nhắc đến cá lăng Tuyên Quang là giới sành ăn đều trầm trồ khen ngon.
Nhờ điều kiện chăn thả thuận lợi nên cá lăng được chăn nuôi rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Từ Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và ngay tại TP Tuyên Quang, cá lăng và các sản phẩm từ cá lăng đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và được gắn sao OCOP. Trong đó, cá lăng chiên xù và chả cá lăng đạt 4 sao, cá lăng cắt khúc và cá lăng phi lê được 3 sao.
Chị Nguyễn Thị Phương, tổ Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đang chọn mua cá lăng ở điểm bán cá sạch của xã Hùng Mỹ cho biết: Cá lăng là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình chị. Cá lăng không chỉ thơm ngon, chắc thịt mà còn chế biến được nhiều món ăn như xào, nướng, nấu canh, ăn lẩu… Hơn nữa, cá lăng rất giàu dinh dưỡng nên phù hợp để bồi bổ sức khỏe cho người già và trẻ nhỏ.
Chính bởi sự đa dạng trong cách chế biến nên cá lăng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn các nhà hàng trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Mai Liên, chủ nhà hàng Đầu Bò nổi tiếng ở thành phố Tuyên Quang chia sẻ, cá lăng là một trong những đặc sản của xứ Tuyên mà nhà hàng đưa vào khai thác. Và hầu hết khách địa phương khác về đều lựa chọn cá lăng trong thực đơn, trong đó món cá lăng trộn hành tím được ưa chuộng hơn cả.
Với ưu điểm vượt trội: chắc thịt, thơm ngon, bổ dưỡng, cá lăng trên dòng Lô - Gâm đã và đang góp phần làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết