Cơm mẹt ở các homestay huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình hấp dẫn du khách.
Mâm thức ăn để chung trong một cái mẹt tròn tạo sự đoàn kết, ấm cúng, phấn khích mới lạ cho người ăn. Giữa mâm vẫn là bát nước chấm truyền thống, xung quanh là các món, ngoài rìa có thể là rau thơm, canh, hoa quả tráng miệng. Nhìn mâm cơm mẹt tuyệt nhiên không thấy túi nilon. Mà thay vào đó là lá chuối, lá dong dùng để trải, gói đồ. Cách trình bày này thể hiện đúng phong cách của ẩm thực vùng cao”.
Ngày nay đi du lịch lên các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình gần như 100% du khách được ăn cơm mẹt ở các homestay. Anh Hoàng Văn Tọng, homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) khẳng định, xa xưa người Tày nơi đây vẫn dùng cơm mẹt trong những bữa cơm đông người. Giờ đưa vào phục vụ homestay rất hợp lý. Vì cơm mẹt tiết kiệm được thời gian bày mâm, dọn mâm của gia chủ. Ăn xong lượng bát đũa phải rửa rất ít. Ngoài tiết kiệm nước, nhân công thì chi phí cho làm mâm cơm cũng rẻ đi. Chỉ vài đầu bếp lành nghề là có thể phục vụ đơn giản hàng chục mâm cơm mẹt cho khách ăn cùng một lúc.
Trước kia nhiều người vẫn nghĩ làm homestay thì sắm đồ phải đắt tiền, hiện đại thì khách mới ở. Nhưng thực tế phát triển homestay không quá cầu kỳ, nhưng vẫn phải giữ được bản sắc. Ông Chẩu Minh Vỹ, chủ một homestay ở thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) bộc bạch: “Lúc mới mở homestay có người bảo nên mua khoảng 30 cái mâm nhôm loại to.
Tôi suy nghĩ mãi, nếu cứ đầu tư như này thì quá tốn kém. Sau tôi bàn với vợ con xuống chợ đặt 30 cái mẹt tre loại tốt với chi phí rất rẻ. Ăn cơm mẹt như kiểu đồng bào ngày xưa. Khi lót lá chuối hay lá dong, trải thức ăn lên mẹt thì du khách lại thích. Tôi nghĩ mình đang đi đúng hướng. Du lịch homestay cần sự đơn giản, sạch sẽ, mộc mạc, hiếu khách, giữ được truyền thống văn hóa của người vùng cao là cốt lõi của vấn đề”.
Bên cạnh sự trình bày mâm cơm mẹt đơn giản song cũng không thiếu sự tinh tế của người vùng cao. Cơm mẹt ngồi trên nhà sàn, có kệ gỗ kê nhẹ thì quả là tuyệt. Bữa ăn tạo sự thoải mái cho du khách với những món mang dư vị địa phương như: Thịt treo gác bếp, vịt nướng, xôi ngũ sắc, măng nứa xào, nộm rau dớn, bí luộc, canh lá đắng, nước chấm mắc kén…
Một lần đến vùng cao xứ Tuyên được ăn cơm mẹt, du khách có nhiều trải nghiệm khó phai để trải nghiệm nét ẩm thực độc đáo trong văn hóa của người vùng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết