Từ trái qua phải: Khánh An - Nhật Vy - NSƯT Nguyễn Văn Khuê.
Mối duyên với ca trù
Bài viết này xuất phát từ một cuộc trò chuyện phát sinh, không có trong kế hoạch của chúng tôi nhưng lại diễn ra ở một nơi hết sức ý nghĩa, gắn với nguồn gốc và sự phát triển nghệ thuật ca trù - đình Đông Ngạc. Đây là một trong số ít ngôi đình nổi tiếng đất kinh kỳ gắn với sinh hoạt ca trù từ thế kỷ XV còn lưu trong ghi chép. Tại ngôi đình cổ vẫn còn hiện hữu hai bên cánh tả và cánh hữu ở trong gian chính mỗi bên 4 cái phản xây kiên cố, mỗi cái đủ để trải 2 chiếu hoa. Đây chính là nơi 8 giáp trong làng ngồi thưởng đào trong ngày hội làng. Điều đó cũng phần nào cho thấy đặc trưng trong cách bài trí của lối hát cửa đình trong ca trù.
Trong ngày hội, các cô đào sẽ luôn hát một bài có nội dung ngợi ca Thành hoàng làng và cầu phúc cho dân làng Đông Ngạc. Đáng chú ý, trong bài có tới hai câu thơ nhắc đến chữ ca trù: “Thôi bôi kể chục, ca trù điểm trăm” và “Mừng nay tiệc ca trù thị yến”. Cũng chính vì vị thế đặc biệt đối với ca trù của đình Đông Ngạc, nên khi tôi cùng với Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thái Hà thực hiện dự án giới thiệu 10 tác phẩm hát nói của Nguyễn Công Trứ, chúng tôi đã chọn đình Đông Ngạc làm nơi thực hiện.
Ca nương Nguyễn Thúy Hòa (Nghệ nhân Ưu tú) chia sẻ: “Muốn hát được ca trù trước hết phải nói tiếng Việt đúng”. “Tiếng Việt của mình có 5 dấu, rất đặc biệt, đó cũng là âm sắc, là âm nhạc nữa: Sắc - nặng - huyền - hỏi - ngã. Cho nên trong ca trù phải rõ chữ, mà muốn rõ thì phải nói đủ 5 dấu”, ca nương Thúy Hòa chia sẻ. Chị cho biết thêm: “Trong xã hội phong kiến vốn trọng nam xưa kia, người phụ nữ dường như không có được cái quyền để được học tập và thi cử để cống hiến tài năng cho đất nước. Nhưng cũng có những ngoại lệ”.
Ngoại trừ một số bài bản đã quy định nằm trong nghi lễ ở hình thức hát cửa đình có sự tham gia của giọng nam, còn lại, ca trù chủ yếu sử dụng giọng nữ. Trong khi, ca trù là một nghệ thuật đặc biệt, dùng rất nhiều thơ chữ Hán, khai thác nhiều câu thơ cổ nhân từ đời Đường ở Trung Hoa, các tác giả sáng tác thơ cho ca trù là những người học rộng tài cao, thường là các quan hay giới trí thức. Vì thế, bắt buộc ca nương phải biết chữ, phải hiểu các điển tích văn học, lịch sử và thơ ca Việt Nam, Trung Hoa... để khi cầm tác phẩm của các nhà thơ mới có thể đọc và hiểu được.
Nói về điều này, ca nương Thúy Hòa chia sẻ: “Phụ nữ xưa không được đi học, không biết chữ, đào hát thì lại được học chữ, thế nên chỉ có họ mới có thể cầm thơ của các quan để mà đọc, mà hiểu và phải hiểu được cả cái thâm ý sâu xa bên trong mà tác giả muốn nói thì mới thể hiện tốt được”.
Nghiệp tổ trong mỗi người
Kép đàn Khuê và ca nương Thúy Hòa là hai anh em ruột. Nghe họ say sưa kể về ca trù, lại có mặt ca nương Nguyễn Phương Thảo, kép đàn - trống Nguyễn Khánh An con trai ông Khuê cùng con gái Thúy Hòa là ca nương trẻ Nhật Vy, tất cả đều người một nhà. Tôi nảy ra thắc mắc, rằng việc truyền dạy ở ca trù Thái Hà diễn ra như thế nào?
“Năm tuổi cháu đã thuộc 5 khổ đàn, 5 khổ phách. Tức là nó tự ngấm trong máu mình thôi” - Phương Thảo bật mí. "Thế bao giờ thì cháu chính thức học?". “Năm 5 tuổi bố thấy cháu có năng khiếu thì đã bắt đầu dạy 5 khổ đàn, 5 khổ phách, dạy bài đầu tiên là "Đào hồng đào tuyết". 8 tuổi cháu được đi diễn. Đáng nhớ nhất là năm 10 tuổi cháu được Huy chương vàng toàn quốc. Sau đó cháu cũng được đi biểu diễn tại Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) trong những chương trình rất lớn”. Thảo chia sẻ thêm: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nhiều đời, ngay từ nhỏ cháu và em họ của mình là ca nương Kiều Anh đã được nghe cô, bố, ông nội (Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Mùi) tập. Có lần tập để đi biểu diễn ở nước ngoài, những lúc như thế cả hai chị em đều muốn mình cũng được biểu diễn, được sang nước ngoài như cô với bố”.
Trả lời câu hỏi của tôi về việc “bén duyên” ca trù từ bao giờ, ca nương Nhật Vy cho biết: “Cháu biết ca trù từ khi vẫn còn trong bụng mẹ (cười), được nghe từ lúc bé xíu, được theo mẹ diễn”. Ca nương Thúy Hòa đồng tình: “Nhật Vy có duyên với ca trù, khi mình đang mang bầu Vy thì ca trù Thái Hà nhận lời mời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch truyền dạy ở 17 tỉnh, thành phố. Có ngày mình dạy cả sáng và chiều, rất vất vả. Lớp lúc đó đặt tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Có lẽ vì thế mà sau này Vy có duyên theo học Học viện Âm nhạc và có khả năng theo được truyền thống của gia đình”. "Thế có phải mẹ bắt Vy học ca trù?", Nhật Vy lắc đầu: “Hồi bé mẹ có nói nhưng không bắt học, sau này lớn lên cháu thấy đó là vốn quý của gia đình mình, cần phải giữ gìn”.
Quay qua kép đàn - trống Khánh An, tôi bày tỏ: “Chú nhớ khoảng năm 2010 khi chú mời gia đình cháu, lúc ấy còn cả ông nội cháu, tham gia một dự án của NXB Âm nhạc, ngày đấy An chắc chỉ trên dưới 10 tuổi thôi. Có lần chú hỏi, nhưng thấy bố Khuê bảo An không sẵn sàng học. Nhưng sau hơn 10 năm, khi chú lại thực hiện một dự án âm nhạc cùng gia đình, chú rất bất ngờ có sự tham gia của An!”. Chàng trai sinh năm 2000 cho biết: “Đúng là lúc nhỏ thì cháu không học, nhưng cháu được nghe tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát của bố, của chú, của cô và chị thì dù không học nó cũng ngấm trong người rồi, ăn vào máu mình rồi”. An kể thêm rằng, các khổ đàn, thể cách, tiếng trống như thế nào cậu thuộc hết, chỉ là không nói ra điều này mà thôi. “Cháu nhớ bố nói kép đàn xưa bắt đầu tập từ năm 13 tuổi. Cũng thời điểm đó cháu được bố và ông truyền dạy”.
Mưa dầm thấm lâu
“Khi dạy, tôi dạy cả hát, trống, phách. Đã học thì phải học tất cả các ngón đàn mà các cụ để lại, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác” - ông Khuê chia sẻ. Ông cho biết thêm, xưa các cụ chỉ truyền dạy cho con cháu, không truyền ra ngoài, “nếu anh ở ngoài mà muốn học phải theo về nhà tôi, phải làm con nuôi, phải ở đấy”. Vì nghệ thuật này là “mưa dầm thấm lâu”, nghe một lần có thể quên ngay, nhưng nếu tiếng thầy văng vẳng trong gia đình thì nó mới ngấm. “Bố tập thì con nghe, đấy là điều rất hay, chỉ đạt hiệu quả khi là người trong cùng dòng tộc, cùng gia đình” - ông Khuê chia sẻ.
Phải có những gia đình như ở Giáo phường Ca trù Thái Hà thì Hà Nội mới giữ được nét cổ truyền đặc sắc. Vậy nhưng, trong cả gia đình không ai sống được bằng ca trù. Ông Khuê cùng em trai của mình phải học Nhạc viện với các nhạc cụ khác và trở thành nhạc công trong đoàn nghệ thuật. Ca nương Thúy Hòa có những công việc riêng. Thế hệ sau, Khánh An đang theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội và sẽ là bác sĩ trong tương lai. Phương Thảo cũng đã tốt nghiệp đại học và hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa thành phố. Còn Nhật Vy đang theo học tại khoa Nhạc cụ truyền thống tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam...
Không ai có thể sống được chỉ với ca trù, nhưng gia đình này vẫn giữ được nghiệp tổ bằng chính tình yêu và sự trân trọng với nghệ thuật truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết