Địa điểm Đầm Hồng (huyện Chiêm Hóa): Năm 1990, phát hiện ngẫu nhiên một chiếc dao găm đồng Đông Sơn còn nguyên vẹn, cán dao là khối tượng mặt người đàn ông, được phát hiện bên bờ sông Gâm thuộc địa phận Đầm Hồng, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa. Loại dao găm này đã được tìm thấy hàng chục chiếc trong văn hóa Đông Sơn, đây là lần đầu tiên tìm được ở Tuyên Quang.
Địa điểm Ghềnh Ca Nô (huyện Chiêm Hóa): Nơi tìm được hiện vật đồ đá, đồ đồng vốn là bậc thềm, nay do sạt lở nằm cách bờ hơn 10m. Hiện vật thứ nhất là rìu xéo gót tròn, mũi nhọn, họng có mặt cắt ngang hình bầu dục, cao 9,6cm, chiều rộng nhất từ mũi đến gót là 8,3cm, họng rộng 3,9cm; hiện vật thứ hai cũng là rìu xéo nhưng đã gãy phần mũi, gót rìu tròn, đoạn gần họng có lỗ hãm cán ở chính giữa mặt lưỡi, họng rìu có mặt cắt hình lục giác. Rìu cao 6,9cm, họng rộng 5,0cm. Đây có thể là một địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, vì hiện vật Đông Sơn tìm được ở lòng sông nên khó đoán định tính chất địa điểm là di chỉ cư trú hay mộ táng.
Địa điểm Soi Gà (huyện Chiêm Hóa): Tại đây, người dân đã phát hiện được 1 chiếc qua bằng đồng thau ở dưới lòng sông Gâm. Qua có phần lưỡi dài, một rìa cạnh tương đối thẳng, một rìa cạnh cong lượn. Mũi qua nhọn, phần chuôi gần giống một hình chữ nhật dài, có lỗ buộc dây ở gần phần tiếp giáp với lưỡi. Mặt cắt ngang của lưỡi có hình tam giác, mặt cắt ngang của chuôi có hình chữ nhật dẹt. Qua dài 29,4cm, lưỡi dài 1,7cm, rộng 3,8cm, dày 0,9cm. Đây có thể là một địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Do những hiện vật Đông Sơn này tìm được ở lòng sông nên khó đoán định được tính chất địa điểm.
Một vài hiện vật trong sưu tập qua đồng Long Giao (Bảo tàng Đồng Nam)
Địa điểm làng Ngần (xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa): Tại đây, chiếc bôn đá tìm được vào tháng 12-1983 và lưỡi câu đồng tìm được vào tháng 2-1995. Chiếc bôn đá còn khá nguyên vẹn, lưỡi mài sắc lệch sang một bên, rìa lưỡi bị sứt mẻ đôi chút do sử dụng. Bôn có màu nâu vân tím, được mài nhẵn bóng, thân dày 0,5cm. Có thể đây là chiếc bôn có chất liệu làm bằng đá nephrite. Chiếc lưỡi câu bằng đồng thau, kích thước lớn. Phần chuôi lưỡi câu được uốn vòng để buộc dây. Lưỡi có ngạnh sắc, thân uốn cong, cao 7cm, rộng 3,3cm. Từ chuôi đến thân được tu sửa cẩn thận. Nhìn chung, lưỡi câu có hình dáng khá giống lưỡi câu ngày nay. Có thể đây là một địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn.
Địa điểm Minh Hương (huyện Hàm Yên): Người ta đã tìm được ở lòng sông Lô thuộc xã Minh Hương, huyện Hàm Yên vào tháng 5-1989 một con dao găm khá đẹp, có chắn tay thẳng, chuôi không có đốc, lưỡi cong lượn. Dao được trang trí hoa văn hình học ở chuôi và ở dọc sống lưỡi. Mặt cắt ngang lưỡi và chuôi có hình bầu dục. Toàn bộ dao dài 24,5cm, lưỡi dài 16,8cm, chắn tay rộng 6,2cm, họng rộng 2,8cm. Có thể đây là một địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Do hiện vật tìm được ở lòng sông nên khó xác định tính chất địa điểm là di chỉ cư trú hay mộ táng.
Địa điểm Bình Xa (huyện Hàm Yên): Tại đây, người dân đã nhặt được 1 rìu đá có vai và 1 dọi xe chỉ ở trước một mái đá. Hiện vật ghi nhận sự có mặt của thời đại Kim khí ở khu vực xã Bạch Xa. Tại đây, vào những năm 90 của thế kỷ XX, nhân dân cũng phát hiện được một số rìu đá có vai và một con dao găm bằng đồng ở ven sông Lô.
Địa điểm Vĩnh Yên (huyện Nà Hang) nay không còn xã này vì đã thuộc lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang: Khi khảo sát khảo cổ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang ở xã Vĩnh Yên, huyện Nà Hang vào cuối năm 2003, các nhà khảo cổ đã được người dân địa phương cung cấp 2 chiếc rìu bằng đồng thau.
Chiếc rìu thứ nhất phát hiện được ở lòng sông Gâm là rìu xòe cân có họng tra cán hình thang, không có hoa văn. Theo người phát hiện được rìu kể lại thì rìa lưỡi chiếc rìu ban đầu cong hình cánh cung, sau này do bị mài mà thành rìa lưỡi thẳng để sử dụng. Đây là một chiếc rìu mang phong cách Đông Sơn, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.
Chiếc rìu thứ hai là rìu lưỡi xéo cũng phát hiện được ở lòng thềm sông Gâm; có họng tra cán hình 6 cạnh, không có hoa văn. Đây là chiếc rìu Đông Sơn rất điển hình và đẹp, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang. Những chiếc rìu đồng Đông Sơn ở đây chứng tỏ có thể có những di chỉ cư trú thời đại Kim khí trên thềm cổ sông Gâm. Bước đầu có thể xác định ở khu vực xã này có địa điểm văn hóa thời đại Kim khí.
Hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn được Trưng bày tại Bảo tàng Tuyên Quang.
Địa điểm thị trấn Nà Hang (huyện Nà Hang): Tháng 2-2007, người dân thị trấn Nà Hang tìm thấy 2 chiếc rìu thuộc văn hóa Đông Sơn ở ven sông Gâm. Chiếc rìu thứ nhất nặng 400gram, lưỡi cao 8,5cm, rộng 11,5cm, họng dài 9,2cm có lỗ tra cán, rộng 3,6cm, bề mặt dẹt 1,4cm. Chiếc rìu thứ hai lưỡi xéo gót tròn, nặng 180 gram, cao trung bình 10cm, rộng trung bình 9,2cm, phần họng có lỗ tra cán rộng 1,5cm x 3,8cm. Hai chiếc rìu này bằng đồng thau được đúc với kỹ thuật tinh xảo, tạo dáng đẹp, chắc, khỏe. Có thể tại khu vực thị trấn Nà Hang đã tồn tại một địa điểm văn hóa Đông Sơn.
Địa điểm Thanh Tương (huyện Nà Hang): Tháng 8-1991, người ta đã tìm thấy chiếc rìu xòe cân và một chiếc giáo bằng đồng, nhưng chiếc rìu đã bị thất lạc. Còn lại chiếc giáo bằng đồng, có niên đại văn hóa Đông Sơn. Giáo được đúc thủ công bằng đồng thau, hình lá mía, có cấu tạo hai phần rõ rệt: họng tra cán và lưỡi. Phần họng tra cán thẳng, dài 1/3 lưỡi, họng xẻ hình chữ V (hình đuôi cá), hai bên đúc hai tai nhỏ, rộng giữa, đối xứng nhau.
Phần lưỡi giáo dài, thon đều, giữa lưỡi giáo có đường gờ nổi chạy dọc từ đuôi cán đến đầu lưỡi, tạo cho lưỡi có mặt cắt ngang hình thoi dẹt. Giáo dài 25,5cm (đầu lưỡi bị gẫy), lưỡi rộng 3,2cm, nặng 195gram. Giáo có màu xám đen, không trang trí hoa văn, bề mặt bị bong tróc nhiều chỗ và lốm đốm phủ một lớp patin màu xanh rỉ đồng. Chiếc giáo được phát hiện ngẫu nhiên ở độ sâu khoảng 10m so với mặt suối, ở tầng đá cuội, vị trí này được xác định là thềm sông Gâm cổ, sau này khúc sông bị đổi dòng do đó khó xác định di tích này là nơi cư trú hay là mộ táng. Có thể xác định ở khu vực này có di tích thuộc văn hóa Đông Sơn.
Gửi phản hồi
In bài viết