Phim “Bình minh đỏ” được chọn chiếu trong Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.
Loạt sự kiện lớn
Trong những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 này, loạt sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô lớn đã được tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: “Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử, và từ đó đến nay, các luận điểm, quan điểm trong bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng ta sáng tạo, khẳng định và hiện thực hóa. Những thành quả mà nền văn hóa Việt Nam có được hôm nay dựa trên các quan điểm từ bản Đề cương này. Việc tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa, quy mô nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản Đề cương”.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử” diễn ra vào 20h ngày 28-2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là chương trình được dàn dựng công phu, đã tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương trong suốt 80 năm qua bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 25-2 đến 3-3 trên phạm vi toàn quốc, mang đến cho người xem 12 bộ phim gồm cả phim truyện nhựa, phim tài liệu và phim hoạt hình. Bên cạnh đó, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã xây dựng thành công bộ phim tài liệu về chủ đề 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - phát sóng trên kênh VTV1 vào tối 27-2.
Diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2, triển lãm ảnh “Đề cương về văn hóa Việt Nam” giới thiệu 80 bức ảnh đặc sắc, trong đó có bức ảnh - tư liệu quý về bản Đề cương năm 1943 lần đầu tiên được công bố. Cùng với đó là những bức ảnh về chủ đề Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ với ngành Văn hóa, sự phát triển của văn hóa trong 80 năm qua; ảnh về di sản, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; ảnh về lễ hội, sự kiện văn hóa tiêu biểu…
Ngoài ra, trong dịp này còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Nổi bật là triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (diễn ra từ ngày 24-2 đến hết ngày 5-3). Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm được sáng tác từ năm 1945 đến 1954 trên chất liệu giấy của 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 22 họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Triển lãm thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, từ bỏ cuộc sống chốn phồn hoa đô thị để tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới...
Cũ - mới và thông điệp xuyên thời gian
Những bức ảnh, tác phẩm mỹ thuật và cả những thước phim quý giá nói trên được giới thiệu trong dịp này nhằm gửi gắm thông điệp về bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Giải thích về việc chọn phim truyện nhựa, hạng mục được công chúng quan tâm nhất, cho Tuần lễ phim, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay: “Trong tuần phim này có cả những tác phẩm mới sản xuất trong 1 - 2 năm trở lại đây như “Bình minh đỏ”, “Cơn giông”, “Phượng cháy” và cả tác phẩm cũ, đã được sản xuất cách đây gần chục năm như “Nhà tiên tri”. Chúng tôi lựa chọn như vậy để mang đến cho người xem cơ hội nhìn lại sự phát triển văn hóa, điện ảnh của đất nước, xem lại tác phẩm của các nghệ sĩ đã có cống hiến cho nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam”.
Trong dịp kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, có nhiều tác phẩm mới được dàn dựng. Chẳng hạn, trong chương trình “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”, ê kíp đã đặt hàng một loạt sáng tác mới của các nhạc sĩ như Trọng Đài, Đức Trịnh, Hồ Trọng Tuấn. NSND Trần Bình, đạo diễn chương trình chia sẻ: “Tôi rất vinh dự được giao dàn dựng và đạo diễn chương trình này. Nói thật, đây là chương trình rất khó vì có nhiều đơn vị tham gia và ý nghĩa chương trình rất lớn. Tuy thời gian gấp gáp nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa đến khán giả một chương trình vừa có tính truyền thống, vừa mới mẻ, hấp dẫn”.
Đánh giá chung về các chương trình được tổ chức trong dịp này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Tính truyền thống, tính đương đại, tính đại chúng, tính nghệ thuật, chính trị trong chương trình nghệ thuật bao giờ cũng đan xen. Những chương trình này hướng theo một chủ đề cụ thể, đó là ý nghĩa, giá trị của bản Đề cương. Chúng tôi đánh giá rất cao các đơn vị, các nghệ sĩ đã cố gắng truyền tải đường lối, sự phát triển của văn hóa trong thời gian vừa qua bằng tác phẩm của mình, mong muốn dùng nghệ thuật truyền tải các quan điểm lớn của Bản đề cương, sự phát triển của văn hóa trong 80 năm qua”.
Gửi phản hồi
In bài viết