Phim tài liệu “Niềm tin” (Đạo diễn Vũ Minh Phương) do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất có thời lượng gần 30 phút. Phim kể về trường hợp đặc biệt của quân nhân Đặng Thành Tuấn ở Bình Định, là học sinh miền nam tập kết ra bắc đã viết tâm thư bằng máu để xin ra trận rồi hy sinh. Chiến tranh kết thúc, giấy tờ thất lạc, hơn nửa thế kỷ qua, gia đình, các cán bộ chính sách, các tình nguyện viên vẫn đi tìm đồng đội của ông cũng như các thông tin liên quan để chứng minh sự hy sinh của thân nhân mình.
Tác giả kịch bản cho biết, chị tiếp cận hồ sơ lần đầu vào năm 2018 với một bản danh sách 59 quân nhân Việt Nam hy sinh do phía Mỹ thu được sau cuộc chiến, những năm tiếp theo, với sự giúp đỡ của rất nhiều cơ quan đơn vị, các tình nguyện viên... hồ sơ dần sáng tỏ. Đến năm 2021, khi có văn bản của Cục Bảo vệ An ninh Quân đội (Bộ Quốc phòng) về quân nhân Đặng Thành Tuấn, chị đã có bài viết đầu tiên gửi ấn phẩm Thời Nay của Báo Nhân Dân và sau đó phát triển thành kịch bản phim tài liệu “Niềm tin”.
Ngôi nhà của quân nhân Đặng Thành Tuấn được thể hiện trong phim. (Ảnh: QĐND)
Chia sẻ về niềm trăn trở phía sau bộ phim, đạo diễn Vũ Minh Phương và biên kịch Tiểu Linh đều cho rằng, những hành trình chứng minh cho một quân nhân đã hy sinh khi thất lạc giấy tờ trong các cuộc chiến chưa bao giờ dễ dàng. Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, Việt Nam có gần 1,2 triệu liệt sĩ và còn rất nhiều quân nhân hy sinh nhưng chưa được công nhận liệt sĩ bởi những lý do khách quan. Câu chuyện nêu trên là một thí dụ tiêu biểu trong hành trình tìm kiếm và xác minh nhân thân của ông. Dẫu thời gian trôi qua đã lâu, hồ sơ bị thất lạc cùng rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng với niềm tin của người thân, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc và đặc biệt là sự vào cuộc của các cán bộ chính sách quân đội, sự hy sinh của ông dần được sáng tỏ.
Bộ phim không sử dụng lời bình mà lấy hình ảnh người cháu ruột của liệt sĩ dẫn chuyện, kết nối với lời kể của rất nhiều nhân chứng qua các thời kỳ đã đồng hành cùng quân nhân Đặng Thành Tuấn. Hành trình làm phim kéo dài tới 25 ngày, qua nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bình Định, Đà Nẵng... với nhiều cảnh quay khó, diễn biến tâm trạng các nhân vật đầy xúc động.
Theo đạo diễn Vũ Minh Phương, điều khó khăn nhất với ê-kíp đó là phải diễn tả một hành trình đằng đẵng, nhiều năm tháng, nhiều câu chuyện và nhiều nhân vật chỉ trong gần 30 phút phim. Trong vai trò dẫn chuyện, chị Đặng Hương Trà chia sẻ, gia đình chị có truyền thống cách mạng, ông nội là liệt sĩ Đặng Thành Tân, tham gia cách mạng trước năm 1945, bị địch bắt, tra tấn dã man rồi thủ tiêu năm 1956. Phần mộ liệt sĩ đã được quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân, Bình Định.
Ngoài câu chuyện về các quân nhân và gia đình, bộ phim còn mang đến những chi tiết ấn tượng, như sự hỗ trợ từ phía Mỹ và đặc biệt là sự vào cuộc của các tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc. Họ dù đang làm những ngành nghề khác nhau nhưng đều chung mục đích là chung tay với các thân nhân để “đường về nhà” của các các liệt sĩ gần lại. Một trong số đó là anh Lâm Hồng Tiên ở Hà Nội. Anh vốn có niềm yêu thích đặc biệt với bản đồ quân sự nên nhiều năm qua thường vào website Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ) để tìm hiểu.
Trong những lần tìm kiếm ấy, anh tìm thấy bản danh sách 59 liệt sĩ do Mỹ thu được ở Việt Nam, và trong bản danh sách có thông tin chi tiết về quân nhân Đặng Thành Tuấn. Cũng nhờ bản danh sách đặc biệt đó, gia đình ông Tuấn mới biết người thân mình hy sinh ngày nào. Sau bộ phim, chị Đặng Hương Trà và các tình nguyện viên vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin các quân nhân khác có tên trong bản danh sách. Điều đó mang đến giá trị nhân văn và một cái kết trọn vẹn cho bộ phim về đề tài hậu chiến.
Gửi phản hồi
In bài viết