Cái nôi đào tạo cán bộ

- Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tháng 8/1964, tôi được cử tới làm việc tại Tờ tin Tuyên Quang là một bộ phận của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang và là tiền thân của Báo Tuyên Quang sau này.

Cán bộ tờ tin Tuyên Quang lúc đó có 6 người gồm các đ/c Đỗ Thanh Sơn, Nguyễn Bảo Tuân, Lê Xuân Phú, Nguyễn Thị Thanh Tước, Phí Văn Tường do đồng chí Nguyễn Lập,  Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách. Tờ in Tuyên Quang có 4 trang khổ 29 x 45cm phát hành mỗi tuần một kỳ không thu tiền. Tôi là phóng viên trẻ nhất và vào nghề muộn nhất.

Tháng 12/1964 Báo Tuyên Quang ra đời, là cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Tuyên Quang phát hành qua bưu điện tỉnh, bán giá 2 xu một tờ. Tôi là lính mới vừa đi cơ sở lấy tư liệu viết tin, viết bài, có khi xuống nhà in sửa mo rát, có khi ra bưu điện nhận tin bài của thông tin viên gửi về tòa soạn, cũng có lúc đem báo biếu ra bưu điện gửi cho những người có bài đăng báo.

Tháng 3/1967, Báo tuyển dụng thêm Hà Doãn Tồn, một thanh niên người Tày vừa tốt nghiệp lớp 10 ở Chiêm Hóa. Tháng 6/1967 tuyển dụng Nịnh Văn Độ, người Cao Lan ở Yên Sơn vừa tốt nghiệp lớp 7 vào làm việc với phương thức vừa học vừa làm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên ác liệt. Tuyên Quang tuy là hậu phương lớn nhưng lại là nơi cung cấp người và quân trang, quân dụng cho tiền tuyến lớn nên giặc Mỹ cũng oanh tạc nặng nề nhằm triệt phá, ngăn chặn đường vận chuyển của ta ra mặt trận.

Tôi đã từng nhiều phen chết hụt khi chứng kiến cảnh chiến đấu dũng cảm của các anh bộ đội bảo vệ cầu sắt ở Sơn Dương, cầu Bắc Mục ở Hàm Yên và trận địa pháo ở Nông trường Tháng Mười (Yên Sơn) nên độ dày dạn cũng ngày càng tăng. Tổng kết phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.

Ngày 21/3/1969 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng là Đảng viên trẻ đầu tiên ở Báo Tuyên Quang được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Để chuẩn bị cho bước phát triển mới của Báo Tuyên Quang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang cho chủ trương tuyển chọn con em các dân tộc ở các huyện đã tốt nghiệp phổ thông trung học, có năng khiếu về các môn khoa học xã hội để đào tạo tại chỗ rồi cứ đi học ở khoa báo chí trường Tuyên giáo Trung ương.

Các thanh niên trẻ Nguyễn Việt Thanh, Phạm Ngọc Quyết, Ma Xuân Quang, Hoàng Liên, Nguyễn Quang Chính, Đỗ Hùng được tuyển dụng vào làm phóng viên tập sự rồi được cử đi học tập ôn thi vào đại học Báo chí thuộc trường Tuyên giáo Trung ương.

Tháng 5/1975 tôi được Ban thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm là ủy viên Ban biên tập kiêm Thư ký tòa soạn. 

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 1/3/1976 hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên, trụ sở của tỉnh đóng lại tại thị xã Hà Giang. Báo Hà Tuyên ra đời, Ban Biên tập gồm 4 đồng chí: Phạm Kim Quy, Tổng Biên tập, Phí Văn Tường, ủy viên thường trực, Chu Thái Tinh, ủy viên Ban biên tập, Đặng Cao Sơn, ủy viên Ban biên tập.

Đội ngũ cán bộ, phóng viên báo Hà Giang gồm những anh em thông thạo địa bàn, yêu nghề, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao nên Báo Hà Tuyên ngày càng lớn mạnh và như có sức sống mới. Các nhà báo kỳ cựu như Thư ký tòa soạn Hoàng Gia Trung, các phóng viên: Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Đình Lục, Đỗ Quang Trung, Dương Văn Khóa, Vương Văn Phát, Nguyễn Đức Tằng..., luôn có mặt ở những nơi gian khó, những điển hình tiên tiến đã làm cho tính chất toàn diện của tờ báo được nâng lên.

Sau 4 năm học tập bậc Đại học ở khoa Báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học Viện Báo chí Tuyên truyền), 9 anh em tốt nghiệp đại học báo chí trở về đã làm thay đổi diện mạo tờ báo. Báo tăng trang, tăng kỳ, thêm chuyên mục. Khi chiến sự ở biên giới nổ ra báo thành lập tổ phóng viên chiến trường gồm những đồng chí đã từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam hoặc đã từng đi bộ đội như Nguyễn Trọng Hùng, Phí Văn Chiến, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Quang Chính và cho ra đời tờ tin “Hà Tuyên Mặt trận” khổ 19 x 27cm phát không cho các đơn vị bộ đội đang đóng quân ở biên giới đã tạo ra tiếng vang mới trong đồng bào và chiến sỹ biên giới.

Sẽ thật là thiếu sót lớn khi không nói với vai trò của các nữ phóng viên, đó là Nguyễn Thị Minh Đức một nách nuôi 3 cô con gái nhỏ và một mẹ già, chồng là thương binh phó phòng thư ký Nguyễn Đình Lục nhưng cô Đức vừa tần tảo nuôi 3 cô con gái nhỏ, vừa lặn lội ở những điển hình tiên tiến. Điều thú vị là cả 3 cô con gái sau này đều đi học đại học báo chí, cô gái cả là Tổng biên tập một tạp chí ngành ở Trung ương. Đó là phóng viên nhiếp ảnh, Dương Thị Phúc đã có lần chết hụt khi cùng tôi và đồng chí Đặng Quang Tiết, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa đoàn nhà báo Đan Mạch đi thực tế. Đang tác nghiệp ở Suối Sửu, Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang thì bị đối phương từ bên kia biên giới nã đạn pháo vào giữa đội hình đang tác nghiệp nhưng may mắn là không ai việc gì. Đó là nhà giáo Đoàn Thị Ký dạy văn ở trường Cao đẳng Sư phạm, tự thấy mình có duyên nợ với báo chí đã tình nguyện xin về làm phóng viên. Sau một thời gian vật lộn trên địa bàn của tỉnh, với năng khiếu bẩm sinh đã được cấp trên cử đi học trường viết văn Nguyễn Du và trở thành nữ nhà thơ của tỉnh và của cả nước,… Còn đây nữa, anh chị em ở ban trị sự là những người luôn đảm bảo cho cuộc chiến đấu ở tiền tuyến thắng lợi, luôn đồng hành với các phóng viên, biên tập viên ở tất cả các mũi tấn công.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, lớp cán bộ phóng viên chúng tôi cũng lớn lên cùng với quê hương đất nước.

Hà Doãn Tồn sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hoàn thành khóa học chính trị cao cấp về được cử làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, rồi về làm Tổng biên tập Báo Dân tộc và Phát triển, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc và miền núi. Nịnh Văn Độ sau khi đi học về là Phó Tổng biên tập Báo Hà Tuyên rồi sang làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin. Nguyễn Việt Thanh sau khi đi học chính trị cao cấp ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về làm Tổng biên tập báo rồi sang làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin. Ma Xuân Quang làm chánh văn phòng UBND tỉnh rồi được điều động về làm Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh. Đỗ Quang Trung, chuyên viết về kinh tế, làm Giám đốc nhà in rồi làm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần In và dịch vụ Tuyên Quang. Phạm Ngọc Quyết làm Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh. Hoàng Liên là thư ký tòa soạn. Đỗ Hùng là trưởng phòng Phóng viên kinh tế. Nguyễn Quang Chính trở thành nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng với tuyển tập ảnh đồ sộ “Tuyên Quang - Nơi vẻ đẹp hội tụ”.

Một số anh em cán bộ, phóng viên báo Hà Tuyên, năm 1991 khi tách tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang cũng trở thành những cán bộ chủ chốt trong đội ngũ báo chí ở tỉnh Hà Giang như đồng chí Chu Thái Tinh làm Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang, Nguyễn Văn Yêu, Hoàng Kiệm làm Tổng biên tập báo. Đặng Quang Vượng, Sùng Mí Chứ là phó Tổng biên tập Báo Hà Giang.

Sinh ra và lớn lên từ phong trào rồi trở thành cán bộ lãnh đạo phong trào, bản thân tôi cũng trưởng thành từ phấn đấu thực hiện nhiệm vụ và từ phong trào thi đua yêu nước.

Năm 1978 tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề bạt là Phó Tổng biên tập Báo Hà Tuyên. Sau hai năm đi học chính trị cao cấp tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh năm 1980 - 1982, năm 1983 đồng chí Phạm Kim Quy, Tổng biên tập, người anh cả của làng báo Hà Tuyên nghỉ hưu, tôi được đề bạt là Tổng biên tập báo Hà Tuyên. Mấy năm liền báo Hà Tuyên là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của các cơ quan thuộc khối Đảng.

Năm 1986, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên, tôi được đại hội bầu là Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Năm 1987 tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động sang làm giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin kiêm chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, sau khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Hà Tuyên và được tỉnh đồng ý, ngày 15/3/1990 tôi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin điều động và bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo Văn hóa, cho đến ngày 30/03/2003 thì nghỉ hưu.

Phí Văn Tường

Tin cùng chuyên mục