Những năm trước, đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần trong xã hội, trong đó người lao động là những người bị ảnh hưởng rất nhiều khi công việc, thu nhập bị cắt giảm. Song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách hỗ trợ người lao động đã được triển khai như: hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại các khu công nghiệp…
Anh Chúc Tòn Bình, dân tộc Dao ở xã Phúc Yên (Lâm Bình) cho biết, 2 năm trước 2 vợ chồng anh đi làm công nhân ở Bắc Ninh không may bị nhiễm Covid-19. Những lúc khó khăn nhất, gia đình anh đã được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ tiền mặt và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Nhờ đó vợ chồng anh mới có sức khỏe để vực dậy kinh tế, cố gắng vươn lên có cuộc sống ổn định hơn.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh triển khai các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động, khuyến khích người lao động sớm gia nhập thị trường lao động. Tỉnh đã chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư từ đó tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư vào tỉnh đã tạo ra nhiều lựa chọn cho người lao động.
Chị Trần Thị Phương ở phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân ở Khu công nghiệp Long Bình An. Chồng chị làm ở Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang còn chị làm ở một công ty may trên địa bàn, với mức thu nhập của 2 vợ chồng trên 15 triệu đồng mỗi tháng đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Cũng theo chị Phương, mức thu nhập này giúp vợ chồng chị có một phần tích lũy để dành cho tương lai.
Tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện đầy đủ chế độ lương, thưởng, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ… đã giữ chân được người lao động gắn bó với đơn vị mình. Anh Hoàng Trung Dũng, công nhân Công ty TNHH Feldspar An Bình (Sơn Dương) chia sẻ, đến nay anh đã gắn bó với công ty được hơn 10 năm với thu nhập trung bình từ 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Khi làm việc tại đây anh và người lao động luôn được quan tâm, ngoài chế độ lương, thưởng, đóng bảo hiểm đầy đủ thì người lao động còn được khám sức khỏe theo định kỳ, được công ty tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. 2 vợ chồng anh vừa xây dựng được ngôi nhà khang trang, các con đều được nuôi ăn học đầy đủ.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thu nhập trung bình của người lao động trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được nâng lên. Theo đó, tiền lương trung bình của người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2021 là trên 5,7 triệu đồng/người/ tháng đã tăng lên trên 6,1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn đơn vị chậm trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động. Đối với những đơn vị này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành chức năng đôn đốc, đề nghị các đơn vị thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thực hiện Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, nhiều hoạt động ý nghĩa đối với người lao động cũng đã được các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn trong tỉnh thực hiện như: tặng quà, hỗ trợ kinh phí làm nhà mái ấm công đoàn, tổ chức phiên chợ công nhân… dành cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó đã động viên, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Việc quan tâm, chăm lo đến đời sống người lao động đã giúp lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng yên tâm gắn bó với công việc, đẩy mạnh tinh thần lao động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao thu nhập và từ đó góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết