Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, phát huy vai trò của tổ chức chính trị-xã hội làm công tác từ thiện nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động nhân đạo hiệu quả. Những năm qua, hội đã trở thành “cầu nối” giữa các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và những hoàn cảnh khó khăn.
Toàn tỉnh hiện có gần 200 Hội Chữ thập đỏ cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học; hơn 150 mô hình hoạt động nhân đạo với 672 tình nguyện viên tham gia. Trong đó, có 54 tổ, chốt sơ cấp cứu chữ thập đỏ, 24 bến đò ngang an toàn, 21 thùng gạo nhân đạo, 18 hòm quỹ từ thiện...
Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Hàm Yên thăm hỏi động viên tình nguyện viên hiến máu trên địa bàn huyện.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác xã hội luôn được quan tâm và chú trọng. Hội thường xuyên tổ chức các đợt mít tinh tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, thu hút được đông đảo các tình nguyện viên tham gia. Lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng đông, số người hiến máu nhắc lại tăng. Toàn tỉnh có trên 200 tình nguyện viên thường xuyên tham gia hiến máu.
Bên cạnh làm tốt công tác truyền thông, hội đã phối hợp tổ chức nhiều chiến dịch như: Lễ hội xuân hồng, Những giọt máu hồng hè, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu, Lễ hội xuân hồng... Đặc biệt điểm hiến máu cố định tại Khoa Huyết học - Truyền máu, tầng 2, nhà B, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thu hút nhiều tình nguyện viên đến hiến máu. Trung bình mỗi năm, hội tổ chức được 15 đợt hiến máu, thu trên 5.000 đơn vị máu, góp phần phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị người bệnh.
Đồng thời, các cấp hội chữ thập đỏ đã tích cực huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả các hoạt động nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo, phòng, chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dựa vào cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm 2022, đã sơ cấp cứu được trên 150 trường hợp tiêu biểu là các tổ, chốt sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ thành phố Tuyên Quang, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Tổ trưởng Tổ sơ cấp cứu ban đầu tại km25, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, hàng năm tổ đã sơ cấp cứu cho gần 5-8 trường hợp bị tai nạn giao thông, sau đó chuyển người bị nạn đến các cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên cũng tham gia bảo vệ hiện trường tai nạn, giữ gìn tài sản của nạn nhân.
Hội Chữ thập đỏ huyện Sơn Dương phối hợp tặng quà cho học sinh nghèo trên địa bàn xã Phúc Ứng (Sơn Dương).
Vào dịp đầu năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai Chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam... đây được coi là một hoạt động nhân đạo truyền thống mang tính nhân văn cao cả. Mỗi dịp Tết đến xuân về, các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ hàng nghìn bộ quần áo; đồ dùng, thực phẩm bao gồm thịt lợn, bánh chưng để trợ giúp người nghèo, người cô đơn được hưởng niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp quần áo, chăn màn, gạo, bánh kẹo... với tổng trị giá 4 tỷ đồng.
Gia đình chị Giàng Thị Đua, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm (Hàm Yên) là một trong những hộ nghèo của xã. Chị chia sẻ, Tết năm nào gia đình cũng được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và những tấm lòng hảo tâm tặng quà, hỗ trợ tiền. Cũng vì thế mà những bữa ăn trong ngày Tết đủ đầy, tươm tất hơn, các con cũng được sắm sửa bộ quần áo mới vui xuân cùng các bạn.
Những năm qua, bằng những việc làm cụ thể và sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở, tình nguyện viên... đã giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã trở thành “cầu nối” để các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến gần hơn với công tác nhân đạo. Trong thời gian tới, hội tiếp tục tích cực tuyên truyền nhân rộng các mô hình từ thiện hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác nhân đạo.
Gửi phản hồi
In bài viết