Đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng

- Triển khai Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động với 12 công chứng viên. Trong đó, Phòng Công chứng số 1 là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp và 5 Văn phòng Công chứng tại thành phố, huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng, đội ngũ công chứng viên từng bước được nâng cao. Các công chứng viên đều được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được tập huấn, bồi dưỡng hàng năm.

Từ năm 2022 đến hết quý 1-2023, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch 18.443 việc, thu phí hơn 7,5 tỷ đồng, thu thù lao công chứng gần 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những hạn chế, vẫn còn tổ chức hành nghề công chứng chưa thực hiện đúng quy định về lập sổ sách, lưu trữ hồ sơ. Trong quý I-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 1 công chứng viên bị xử phạt hành chính về hành vi “Công chứng đối với tài sản khi tài sản đó đã bị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn”.

Để hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản 1558/UBND-NC về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân giúp cho mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động công chứng, chứng thực.

Nhân viên Văn phòng Công chứng Nguyễn Thị Thu Hiền (TP Tuyên Quang) trao đổi nghiệp vụ chuyên môn.

Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu rà soát lại tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; tham mưu các nội dung sửa đổi, bổ sung tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng hoàn thành trước 30-9-2023. Đồng thời, tập trung thực hiện nâng cấp hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động công chứng, tạo cơ sở trong việc thực hiện công chứng trên môi trường điện tử (công chứng số).

Ngành đề nghị Công an tỉnh, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, Hội Công chứng viên tỉnh tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: thực hiện công tác quản lý Nhà nước về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công chứng; bố trí kinh phí thực hiện chức năng tham mưu quản lý Nhà nước về công chứng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, pháp luật về tín dụng, ngân hàng và pháp luật khác có liên quan; giám sát  hội viên tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam…

Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở tư pháp cho biết, thực tế các phòng công chứng và văn phòng công chứng đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng giao dịch, chứng thực. Hàng năm, sở đã thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra các tổ chức và hoạt động công chứng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã tăng cường công tác phối hợp với Hội Công chứng viên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các công chứng viên nhằm đáp ứng yêu cầu cầu việc.

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp sẽ tập trung thực hiện nâng cấp hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, tạo cơ sở trong việc thực hiện công chứng trên môi trường điện tử (công chứng số) và sẵn sàng chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các phần mềm, cơ sở dữ liệu khác có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và các văn bản liên quan. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn khi tham gia thực hiện các giao dịch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục