Thượng tá Trần Quang Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Luật Căn cước có nhiều điểm mới đáng lưu ý như: đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước, cấp căn cước điện tử, thu thập thông tin sinh trắc học… Những thay đổi đó nhằm tăng tính bảo mật thông tin, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân.
Cụ thể, Điều 46 Luật Căn cước nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1-7-2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1 đến trước ngày 30-6 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6. Riêng chứng minh nhân dân dù còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Còn các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Như vậy, khi đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước không gây phiền hà cho người dân.
Đáng chú ý là, quy định mới bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu. Theo đó, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp, người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý Căn cước để thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định.
Người dân cần nắm rõ, việc cấp thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. UBND cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Luật Căn cước còn quy định, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học. Theo đó, cơ quan làm căn cước sẽ thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.
Luật mới cũng bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công... Đồng thời, Luật còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.
Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số người dưới 14 tuổi (cả tạm trú và thường trú) là trên 211.000 người, khi Luật Căn cước có hiệu lực dự báo sẽ có rất đông người có nhu cầu và đề nghị cấp thẻ căn cước. Do đó, Công an tỉnh đã có kế hoạch cử cán bộ đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện thu nhận hồ sơ căn cước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ, lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp với rà soát nhu cầu làm thẻ căn cước của công dân (chủ yếu là người dưới 14 tuổi) để chuẩn bị các phương án cấp căn cước lưu động tại địa bàn tạo thuận lợi cho Nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết