Cần ngăn chặn thực phẩm “bẩn” trước cổng trường học

- Vào năm học mới, các bậc phụ huynh lại canh cánh nỗi lo về đồ ăn, thức uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cổng trường học. Hàng quán tại các cổng trường mọc lên khá nhiều, nhưng việc quản lý, kiểm tra thực phẩm an toàn thì vẫn còn để ngỏ. Đây thực sự là mối lo cho sức khỏe của học sinh, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc.

Nỗi lo không dứt

Có mặt tại Trường Tiểu học Trung Yên (Sơn Dương) vào giờ tan trường, chúng tôi thấy những quán hàng ăn vặt đã bày bán với đầy đủ chủng loại để sẵn sàng phục vụ các cháu học sinh. Tiếng trống tan trường vang lên, báo hiệu giờ “vàng” của những người bán hàng tại đây đã đến. Cánh cổng trường vừa mở, học sinh đã chen nhau chạy đến những quán bán đồ ăn vặt để chọn cho mình món ăn ưa thích, như xúc xích, tôm viên, cá viên, các loại bánh, kẹo... Các em đều ăn thật ngon lành, không giấu được vẻ thích thú.

Khi được hỏi tại sao lại yêu thích những món ăn ngoài cổng trường đến vậy, một em học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trung Yên tíu tít trả lời: “Kết thúc buổi học nào em và các bạn cũng rủ nhau ra cổng trường mua đồ ăn, em thấy ăn ở đây vừa vui lại vừa ngon”.

Nhiều quán hàng bán di động được bày bán tại cổng Trường Tiểu học Trung Yên (Sơn Dương).

Trong vai phụ huynh học sinh, chúng tôi được tiếp cận gần với các loại bánh kẹo bên ngoài có màu sắc sặc sỡ, bao bì mang nhiều hình ảnh những nhân vật quen thuộc với các em nhỏ rất bắt mắt, như công chúa elsa, doremon, chuột mickey... với giá bán chỉ từ 2.000/gói. Xem kỹ bao bì, những tôm cay, gà cay hay bò khô giá rẻ hầu hết có in chữ Trung Quốc, có những sản phẩm không có nhãn tiếng Việt ghi rõ ràng thông tin theo quy định (thành phần, hạn sử dụng...). Khi được hỏi về nguồn gốc và chất lượng các loại đồ ăn này, người bán hàng chỉ trả lời qua loa rằng, các mặt hàng này được các em học sinh ưa thích nên mới nhập về bán, mà người ta bán đầy ra ăn có sao đâu.

Đến cả người bán hàng cũng ko biết hàng hóa xuất xứ ở đâu, chất lượng thế nào thì không biết hậu quả sẽ ra sao? Mới đây nhất, ngày 21-9, chúng tôi tham gia Đội Quản lý thị trường số 1 đi kiểm tra một số quán bán hàng tại các cổng trường học trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Trong quá trình kiểm tra, đa số các quán đều mắc lỗi vi phạm như bán hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Kiểm tra tại một quán trước cổng Trường THCS An Tường (TP Tuyên Quang), đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm như: Thiếu giấy khám sức khỏe, một số mặt hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tủ bảo quản các mặt hàng để không đúng quy định. Qua phỏng vấn, bà Bùi Thị Chuyên, tổ 1, phường An Tường, chủ cửa hàng cũng trả lời rất thiếu trách nhiệm, “bà không biết hàng đó không đảm bảo an toàn thực phẩm”. Cái sự không biết của bà sẽ gây ra bao hệ lụy cho sức khỏe của con trẻ, nhưng bà cũng chỉ rút kinh nghiệm mà thôi. 

Thực trạng này bắt gặp ở hầu hết các cổng trường học trên địa bàn tỉnh, điều này khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại và cố gắng quản lý con em mình “chặt” nhất có thể nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Anh Nguyễn Văn Hạnh, thị trấn Na Hang (Na Hang) có con đang học lớp 4 Trường Tiểu học thị trấn Na Hang chia sẻ, cứ bắt đầu vào năm học mới, khu vực cổng trường lại xuất hiện khá nhiều hàng quán bán đủ loại đồ ăn vặt cho học sinh. Anh Hạnh lo lắng, thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường nên nguy cơ nhiễm khuẩn từ thức ăn đường phố là vô cùng cao. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con, ngoài dặn dò con tránh xa những món đó, anh kiên quyết không cho tiền tiêu vặt, không mua quà cho con ở cổng trường. Nhưng có lẽ đó chỉ là biện pháp tương đối, vì nhiều khi đi học cháu ăn cùng bạn bè thì mình cũng không thể quản lý được. Đó thực sự là nỗi lo không dứt không riêng của anh Hải mà của hầu hết các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm.

Vẫn còn “bỏ ngỏ”

Trao đổi với ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Các điểm buôn bán thức ăn đường phố và hàng rong trên địa bàn tỉnh tương đối lớn và luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm. Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì loại hình kinh doanh, buôn bán này thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã. Đa số những người buôn bán mặt hàng này có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức còn hạn chế, thậm chí một số người còn cố tình tìm cách đối phó, tránh né lực lượng chức năng nên công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gặp không ít khó khăn.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra mặt hàng bày bán tại cổng Trường THPT Chuyên Tuyên Quang.

Trên thực tế, việc xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước cổng trường là rất khó, bởi các cơ sở này hoạt động mùa vụ, không cố định, mặt hàng bán không nhiều. Do đó, khi kiểm tra, đa phần lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở và tịch thu, tiêu hủy những mặt hàng vi phạm và tuyên truyền cho người bán hàng chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bác sỹ Trịnh Văn Thuật, Trưởng phòng Y tế huyện Yên Sơn cho biết, do tình hình dịch Covid-19 nên công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực cổng trường học trên địa bàn huyện thời gian qua cũng bị “bỏ ngỏ”, có đi cũng chỉ được một vài điểm của các xã. Qua kiểm tra một số điểm thấy được việc chấp hành quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được nghiêm, vẫn còn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng để lâu quá hạn sử dụng; hỏi thì người bán hàng nói do nhập hàng từ các xe lên xã giao nên không biết chủ hàng là ai. Khi kiểm tra thấy được sai phạm đoàn cũng nhắc nhở và tuyên truyền đến người bán hàng cần kiểm tra mặt hàng rõ nguồn gốc và thời hạn sử dụng. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, hiện nay xã có 3 trường học, hàng năm, Ban An toàn thực phẩm của xã có xây dựng kế hoạch đi kiểm tra các quán bán hàng tại khu vực cổng trường, nhưng đối với xã đi kiểm tra chỉ bằng mắt thường như có nhãn mác không, còn hạn sử dụng không, trong quá trình kiểm tra nếu thấy không còn hạn sử dụng hay không có nhãn mác rõ ràng thì tiến hành lập biên bản và tiêu hủy tại chỗ. Còn cụ thể chất lượng có đảm bảo hay không thì để đoàn liên ngành của huyện, của tỉnh đi kiểm tra mới kiểm định được chất lượng.

Hàng năm, các đoàn thanh tra đều tổ chức các đợt thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chỉ tập trung ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cửa hàng quán kinh doanh lớn và các khu vực thành thị. Còn các hàng quán trước cổng trường, nhất là các cổng trường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dường như vẫn đang “nằm ngoài vùng phủ sóng”. Chị Nông Thị Ngọ, xã Yên Thuận (Hàm Yên) bảo rằng, chị bán hàng tại cổng trường học trên địa bàn xã đã 5 năm nay nhưng chị chưa thấy có đoàn liên ngành của huyện, của tỉnh đến kiểm tra.

Đây chính là một trong những yếu tố khiến các loại hàng quán này mặc sức “tung hoành” mà học sinh phải gánh chịu hậu quả đầu tiên. Do đó, vì tương lai con trẻ, các cơ quan chức năng, chính quyền cấp xã cần quan tâm đến công tác quản lý, kiểm tra các hàng quán trước cổng trường, có thể cấm vĩnh viễn những đối tượng bán hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, tác động tiêu cực đến sức khỏe của học sinh. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ không nên nuông chiều con, cho con tiền ăn vặt ở cổng trường, tạo nên hình ảnh không đẹp trong lứa tuổi học trò, tránh những hệ lụy xấu về sức khỏe cho học sinh.

Bài, ảnh: Thái Bảo

Tin cùng chuyên mục