Không chỉ cố gắng tìm kiếm, xây dựng kịch bản sân khấu chất lượng, các nghệ sĩ còn có sự tìm tòi, đổi mới nhất định trong cách dàn dựng nhằm mang đến cho các em một sân chơi lý thú, bổ ích, gửi gắm những thông điệp tích cực, nhân văn. Tuy vậy, dường như sân khấu vẫn đang thiếu những tác phẩm mang bản sắc văn hóa Việt.
Cảnh trong vở "Cây tre trăm đốt" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
Kỳ liên hoan mang tính lịch sử
Có thể nói, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024 là kỳ liên hoan mang tính lịch sử. Lần đầu tiên có một sân chơi bài bản dành riêng cho thiếu nhi do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức. Liên hoan chào đón 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; hơn 500 diễn viên hội tụ từ hai miền Nam - Bắc với 17 tác phẩm dự thi đa dạng về thể loại như kịch nói, nhạc kịch, xiếc, chèo, dân ca Nam Bộ, múa rối và ảo thuật.
Trong 7 ngày diễn ra liên hoan, khán giả và các nghệ sĩ sống trong bầu không khí nghệ thuật vui tươi, sinh động và đầy sáng tạo. Các nghệ sĩ đã mang tới cho các em thiếu niên, nhi đồng những tác phẩm hấp dẫn, tạo ra bầu không khí giao lưu, thưởng thức nghệ thuật cuồng nhiệt. Nhà hát Lớn Hải Phòng không còn một chỗ trống. Sau mỗi vở diễn, các khán giả nhỏ tuổi lại có dịp giao lưu, chụp ảnh cùng với những nhân vật yêu thích của mình.
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của liên hoan này chính là sự đa dạng, hấp dẫn của kịch bản. Có những kịch bản lấy tứ từ kho tàng văn hóa dân gian như các vở diễn: “Cây tre trăm đốt”, “Tiếng đàn Thạch Sanh”, “Nắm xôi kỳ diệu - chuyện thằng Bờm”, “Tấm Cám - Bống bống bang bang”, “Lời bà kể”. Đạo diễn sân khấu đã lồng ghép những điệu hò, vè, đồng dao, các làn điệu dân ca vùng miền một cách hài hòa, hợp lý, tạo sự gần gũi, mới mẻ trong góc nhìn trẻ thơ. Cũng có những vở diễn tái hiện lịch sử, các nhân vật anh hùng ở tuổi thiếu niên như vở diễn: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Mặt trời quê hương”... Đây là hướng tiếp cận rất hiệu quả tới thiếu niên, nhi đồng nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, tôn vinh những tấm gương thiếu niên anh hùng thông qua tác phẩm sân khấu. Bên cạnh đó, các câu chuyện cổ tích trên thế giới, các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử được các em nhỏ yêu thích cũng được đưa lên sân khấu, qua các vở diễn: “Bầy chim thiên nga”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, “Rồng thần trở lại”, “Giải cứu mặt trăng”, “Bộ quần áo mới của hoàng đế”... Nhiều tác phẩm nhẹ nhàng lồng ghép thông điệp, các vấn đề xã hội, mối quan hệ gia đình - nhà trường, như “Màu của ước mơ”, “Tiếng chuông cảnh tỉnh”, “Nước mắt tuổi thơ”... Việc ứng dụng công nghệ - kỹ thuật mới, sử dụng nhiều từ ngữ “bắt trend” đã tạo nên hiệu ứng tương tác sôi nổi giữa diễn viên và khán giả nhỏ tuổi trong mỗi buổi diễn.
Tham gia liên hoan và đoạt giải Vàng với tác phẩm “Giải cứu mặt trăng”, diễn viên Nguyễn Hà Trung (nghệ danh Trung Ruồi) cho biết: “Với các bạn thiếu nhi, chúng ta không thể giới thiệu với các em tác phẩm có quá nhiều nút thắt mà tình tiết phải đơn giản, logic, hàm lượng giải trí cao, gửi gắm thông điệp nhân văn qua những nhân vật mà các em đang hâm mộ như cảnh sát trưởng Labrador, heo Peppa, Người nhện… Vở diễn cần có sự kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại để hấp dẫn các em, có yếu tố võ thuật, kỹ xảo ánh sáng, màn hình LED... Chúng tôi cố gắng đưa các yếu tố công nghệ vào vở diễn, tạo tính giải trí cao, phù hợp với các em”.
Sôi động sân khấu hè
Cùng với các tác phẩm tham dự liên hoan, các nhà hát cũng chuẩn bị nhiều kịch mục, chương trình biểu diễn dành cho các em nhân dịp hè 2024. Ngay từ đầu hè, Nhà hát Kịch Việt Nam đã giới thiệu chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi, với chủ đề “Hành trình kỳ diệu” gồm 3 vở diễn: “Bộ quần áo mới của hoàng đế”; “Rồng thần trở lại” và “Biệt đội siêu anh hùng”. Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt dự án "Mùa hè yêu thương" với các tác phẩm: "Bữa tiệc của Elsa", "Vị vua không ngai", "Giải cứu bà nội", "Zorba - chú mèo thám tử”...
Đạo diễn Lại Huy Hoàng, người đang dựng vở “Vị vua không ngai” cho biết: “Vở kịch “Vị vua không ngai” được dàn dựng từ kịch bản giành giải A trong Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2023, dự kiến sẽ biểu diễn đúng dịp 1-6 tại Hà Nội. Với vở diễn này, chúng ta sẽ bắt gặp những bạn trẻ độ tuổi tiểu học với những câu chuyện ngây thơ, thú vị. Qua vở diễn, chúng tôi muốn gửi đến các em một thông điệp: Con người chúng ta chỉ là một cá nhân nhỏ bé, chúng ta sống làm sao để tập thể của mình ngày càng lớn mạnh, vững chắc”.
Hai vở diễn “Giải cứu bà nội” và “Zorba - chú mèo thám tử” đang dàn dựng là kết quả phối hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và một số nhà hát quốc tế. Cụ thể, vở nhạc kịch “Zorba - chú mèo thám tử” (tác giả Lee Jieun, đạo diễn Lee Jongseok) do Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhà hát Sangsang Maru (Hàn Quốc) triển khai dàn dựng và trình diễn. Vở kịch "Giải cứu bà nội" của tác giả Jerome Poncin do NSƯT Lê Ánh Tuyết và nghệ sĩ Đào Duy Anh làm đạo diễn, đánh dấu sự hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Bốn bàn tay (một nhà hát trình diễn nghệ thuật múa rối cho trẻ em hàng đầu tại Bỉ). Việc hợp tác sản xuất các tác phẩm sân khấu với các nhà hát quốc tế được Nhà hát Tuổi trẻ triển khai trong nhiều năm qua, thể hiện sự nắm bắt, cập nhật các phương pháp và kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại, nhằm phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu niên, nhi đồng.
Có thể thấy, trong dịp hè này, các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi khá đa dạng, được đầu tư bài bản, cập nhật những phong cách, kỹ thuật mới, với mong muốn không chỉ mang lại cho các em những vở diễn vui tươi, dí dỏm, sinh động mà còn có nhiều thử nghiệm mới mẻ trong cách tổ chức sân khấu.
Vẫn thiếu những kịch bản đậm chất Việt
NSND Tự Long, người có kinh nghiệm trong việc dàn dựng và biểu diễn phục vụ thiếu nhi hơn 20 năm qua, cho rằng, làm sân khấu cho thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Đó phải là tác phẩm giải trí để các em vui vẻ, sảng khoái, nhưng cũng cần có thông điệp giáo dục thật nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là một câu nói, hành động đẹp hay nhắc lại bài học trong sách giáo khoa. Đồng quan điểm này, nghệ sĩ Trung Ruồi cho rằng: Ai cũng đã qua tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên nên có thể hiểu một phần nào đó tâm lý của các em, dễ làm cho các em cười, khóc cùng với nhân vật. Tuy nhiên, ở góc nhìn của người trưởng thành, chúng ta cũng phải để ý từng chút một. “Việc chắt lọc ngôn ngữ trên sân khấu thiếu nhi cũng là một vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm. Tôi lấy ví dụ như việc lựa chọn ngôn ngữ, tình tiết hợp lý cho tác phẩm sân khấu. Có những khi ngôn ngữ thông dụng ngoài đời nhưng không thể sử dụng trên sân khấu. Việc phác họa ngôn ngữ của hai phe thiện - ác cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng ngôn ngữ quá thật lại làm cho các em không phát huy được trí tưởng tượng, vô tình có thể tạo ra những giá trị lệch chuẩn” - nghệ sĩ Trung Ruồi nói.
Bên cạnh đó, nhìn lại các tác phẩm sân khấu phục vụ thiếu nhi hè 2024, có thể thấy phần nhiều kịch bản có yếu tố nước ngoài, dựa vào các câu chuyện nổi tiếng thế giới, các “thương hiệu” văn học, sân khấu nước ngoài đã được biết đến, trong khi đó kịch bản Việt chiếm số lượng ít ỏi. “Rồng thần trở lại” hay “Biệt đội siêu anh hùng” đánh dấu địa hạt mới của NSND Tự Long vai trò viết kịch bản, song phiên bản kịch này cũng lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” nổi tiếng. “Bữa tiệc của Elsa”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh, nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện cũng không nằm ngoài xu thế đó. Do vậy, chúng ta cần nhiều hơn nữa kịch bản mang bản sắc văn hóa Việt, lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, văn học Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết