Một cảnh trong vở nhạc kịch “Sóng” được sử dụng cho bộ phim tài liệu “Sinh năm 1972” do Hãng phim Sao Khuê (Hội Điện ảnh Hà Nội) thực hiện. Ảnh: Việt Nga
Đánh thức sự sáng tạo
Điện ảnh vừa là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, vừa mang lại nguồn thu lớn đóng góp cho phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, điện ảnh Hà Nội những năm gần đây, nhất là hoạt động sản xuất phim truyện, khá trầm lắng, chưa tương xứng với kỳ vọng. Mỗi năm, điện ảnh Việt Nam có khoảng 40 phim truyện ra rạp, trong đó vài ba phim do các đơn vị điện ảnh trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội sản xuất. Đáng chú ý, dù mảng phim tài liệu, khoa học, hoạt hình ở Hà Nội có số lượng sản xuất hằng năm ổn định, với hơn 80 phim xuất xưởng nhưng hầu hết là phim ngắn, không đáp ứng được yêu cầu chiếu rạp thương mại và cũng hạn chế phát sóng trên truyền hình.
Hoạt động giao lưu điện ảnh tại Hà Nội gần đây cũng giảm nhiệt. Liên hoan Phim Việt Nam lần gần nhất diễn ra tại Hà Nội là từ năm 1996. Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội diễn ra 2 năm/lần. Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam không còn tổ chức tại Hà Nội mà đến các địa phương khác. Vì vậy, dù các hoạt động văn học, nghệ thuật khác khá sôi động và đều khắp nhưng điện ảnh Thủ đô lại mang gam trầm đáng suy nghĩ.
Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành nhận định, điện ảnh cách mạng Việt Nam có bề dày hơn 70 năm với thành tựu rất đáng tự hào, trong đó có đóng góp lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô. Tuy nhiên, dường như điện ảnh Hà Nội “ngủ quên” trên thành tích khá lâu, đã đến lúc thức dậy. Song, việc làm phim, nhất là phim chiếu rạp có nhiều thay đổi, cả về nội dung và công nghệ, cần nguồn đầu tư lớn. Chuyện Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí làm phim như trước đây sẽ không quay lại nữa. Vì vậy, những người làm điện ảnh Hà Nội phải khởi động lại, trước mắt ở việc sản xuất phim ngắn là rất phù hợp.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát động Liên hoan Phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 - Giải Sao Khuê. Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho các nhà điện ảnh Thủ đô sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về đất và người Hà Nội; gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tiêu chí mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng điện ảnh Thủ đô trong tình hình mới.
Tạo đà cho điện ảnh Hà Nội
Điện ảnh Việt Nam hiện nay chứng kiến sự trưởng thành, phát triển vượt bậc của những người trẻ mà hầu hết đều khởi đầu từ việc làm phim ngắn. Có thể kể đến đạo diễn Phạm Ngọc Lân từng ghi dấu với phim ngắn, nay vừa giành giải "Phim dài đầu tay xuất sắc nhất" tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin 2024 với “Cu li không bao giờ khóc”; đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải "Camera D’Or" tại Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2023 với “Bên trong vỏ kén vàng” được phát triển từ phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”… Theo Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân, việc sản xuất phim ngắn có lợi thế là không cần đầu tư lớn về tài chính, công nghệ, nhân lực nhưng đòi hỏi cao về sức sáng tạo của người làm phim. Do đó, tổ chức sân chơi, cuộc thi, liên hoan cho phim ngắn sẽ là lối đi vững chắc để những người làm phim phát huy khả năng, đam mê tiến bước trên chặng đường dài hơn, xa hơn.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội Bành Thị Mai Phương cho biết, Giải Sao Khuê dành cho các cơ sở, đơn vị sản xuất phim, người làm phim chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp hiện cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia ở loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình dưới 60 phút. Tuy không giới hạn về đề tài nhưng Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm làm về Hà Nội mang ý tưởng độc đáo, có sự tìm tòi và khám phá cách thể hiện mới; nội dung phim mang tính nhân văn, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa, con người Hà Nội…
Ở góc độ người làm nghề, Trưởng phòng Biên kịch (Hãng Phim hoạt hình Việt Nam) Phạm Thị Thanh Hà cho biết, đây là cơ hội tốt để các nhà làm phim Thủ đô đưa tác phẩm đến với khán giả. Những năm qua, đơn vị làm nhiều phim về Hà Nội như “Hào khí Thăng Long”, “Giấc mơ Loa Thành”, “Sự tích đền Bạch Mã”, “Sự tích cốm làng Vòng”… nhưng chưa được biết đến rộng rãi. Liên hoan phim ngắn không chỉ giúp điện ảnh Hà Nội phát triển, mà còn là dịp để quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô. Cùng quan điểm, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương cũng gợi mở một số đề tài thích hợp để làm phim ngắn, như văn hóa, du lịch, con người Hà Nội và những “điểm nghẽn” của Thủ đô…
Hy vọng, Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất 2024 sẽ trở thành một sân chơi uy tín, khơi nguồn sáng tác và tạo đà cho điện ảnh Thủ đô vươn xa xứng tầm.
Gửi phản hồi
In bài viết