Bên trong dự án Ninh Chữ Sailing Bay. (Ảnh: VOV)
Dự án Ninh Chữ Sailing Bay được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cấp chủ trương đầu tư ngày 30/6/2020 và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 376/QĐ-UBND ngày 1/12/2020. Tháng 11/2021, tại buổi lễ khởi công dự án, lãnh đạo Tập đoàn Crystal Bay-Tecco Đức Quang Minh và Công ty cổ phần Ninh Chữ Bay tuyên bố: Trên diện tích 12,3 ha sẽ có 81,5% không gian dành cho tiện ích và cảnh quan, lần đầu tiên tại Việt Nam có tổ hợp giải trí tuyết Ski Ninh Chữ Bay rộng 8.000 m2, lớn thứ ba thế giới, tương tự như mô hình Ski Dubai lừng danh.
Dự án có quy mô lớn, bao gồm hai tòa khách sạn cao 40 tầng; hai tòa khách sạn cao 36 tầng; một tòa khách sạn, trung tâm thương mại, hội nghị, giải trí cao chín tầng... quy mô 4.000 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao. Dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2024, trở thành điểm đến trải nghiệm mới cho du khách góp phần đưa du lịch Ninh Thuận ghi tên vào bản đồ du lịch của châu Á.
Tuy nhiên, từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2022, nhà đầu tư chỉ mới hoàn thành thi công móng cọc nhồi, với tổng vốn đầu tư đã giải ngân là 370 tỷ đồng. Từ đó đến nay, dự án “giậm chân tại chỗ”. Công ty cổ phần Ninh Chữ Bay phân trần, thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Xét thấy các điều kiện không đủ thuận lợi để hoàn thành dự án trong thời hạn pháp luật cho phép, cho nên nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.
Một trường hợp khác là cuối năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý chấm dứt hoạt động của dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và sản xuất nước khoáng Krông Pha tại thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn của Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ và sản xuất Krông Pha, được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008 và cấp điều chỉnh lần ba vào năm 2015. Dự án xây dựng khu sinh thái nghỉ dưỡng, nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai có công suất 173.375.000 lít/năm, tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng, trên diện tích 10 ha đất tại suối khoáng nóng thị trấn Tân Sơn.
Theo đó, chủ đầu tư đã xây dựng 12/18 bungalow, nhà hàng, sửa chữa hồ tắm khoáng, hạng mục cảnh quan và đưa dự án vào hoạt động từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, đến năm 2019, dự án ngừng hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan thẩm quyền. Khi địa phương phát hiện, thì đến tháng 6/2022, nhà đầu tư mới có thông báo ngừng hoạt động dự án từ ngày 13/6/2022 đến 13/6/2023; đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển nhượng dự án cho công ty khác với lý do khó khăn trong kinh doanh, nhưng không được tỉnh chấp thuận, vì trước đó, ngày 22/2/2019, tỉnh đã chấp thuận cho công ty tìm đối tác chuyển nhượng dự án, hạn chót là tháng 1/2023, nhưng công ty không hoàn thành tìm đối tác chuyển nhượng.
Theo kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, các hạng mục công trình xây dựng chưa đạt yêu cầu về quy mô; nhà đầu tư đã ngừng hoạt động dự án là vi phạm cam kết, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế hoạch và đầu tư với số tiền 140 triệu đồng và bị thu hồi dự án.
Những năm qua, Ninh Thuận đã đẩy mạnh thu hút đầu tư để khai thác những lợi thế khác biệt nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh sớm vươn lên tốp đầu của cả nước cũng như khu vực duyên hải Trung Bộ. Mới đây, theo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ ban hành, cả nước có 61 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia, trong đó, có Khu du lịch Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số dự án đầu tư phát triển du lịch không thực hiện đúng như cam kết, ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thiết nghĩ, tỉnh Ninh Thuận cần sớm chấn chỉnh những hạn chế và cẩn trọng hơn trong thu hút các nhà đầu tư, tránh thiệt hại tài chính, lãng phí tài nguyên, mất thời gian và làm giảm uy tín của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết