Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một người cụ thể. Theo cơ quan công an, thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài đa phần do sự bất cẩn của mỗi cá nhân. Ngoài việc chủ động đăng tải, phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên các trang mạng thì nhiều người cũng vô tình để lộ thông tin cá nhân. Có thể thông qua việc mua bán, thanh toán trực tuyến, tham gia các trò chơi, ứng dụng, tham gia các cuộc thi trực tuyến, cung cấp thông tin cho các đơn vị mua bán trả góp, vay tiền qua ứng dụng... Ngoài ra, việc mỗi cá nhân thế chấp các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy phép lái xe, hộ chiếu cũng dễ khiến cho thông tin cá nhân bị đánh cắp.
Cán bộ, chiến sỹ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao rà soát thông tin, dữ liệu trên không gian mạng.
Đầu tháng 11-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang đã khởi tố 34 bị can sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội mua bán dữ liệu cá nhân, thuê tài khoản ngân hàng; thực hiện các chiêu thức tinh vi để kiểm tra, xác minh thông tin những người đủ điều kiện vay tiền; dùng sim rác, ứng dụng chỉnh sửa ảnh, tài liệu, làm giả hồ sơ vay tiền… để chiếm đoạt tiền của công ty tài chính. Những cá nhân bị lợi dụng thông tin cá nhân để vay tiền liên tục bị phía công ty tài chính đòi tiền, đưa vào danh sách nợ xấu, không thể tiến hành các hoạt động tín dụng thông thường. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ việc lợi dụng thông tin cá nhân bị lộ lọt.
Mới đây, trang Fanpage Báo Tuyên Quang tiếp nhận thông tin phản ánh của độc giả lo lắng thông tin cá nhân bị lộ do người hưởng lương hưu bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng cần photo căn cước công dân để nộp cho cộng tác viên Bưu điện tiến hành rà soát thông tin. Phóng viên Báo Tuyên Quang đã xác minh, trao đổi với Bưu điện tỉnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và thông tin với độc giả việc rà soát thông tin là cần thiết nhằm đảm bảo chi trả lương hưu cho đúng đối tượng. Trước đó, có xảy ra sự việc người hưởng lương hưu đã qua đời nhưng Bưu điện tỉnh vẫn chi trả tiền lương hưu qua ngân hàng. Tuy nhiên người hưởng lương hưu không bắt buộc phải nộp bản photo căn cước công dân mà có thể trực tiếp cập nhật, xác nhận thông tin với cộng tác viên Bưu điện để đảm bảo chi trả lương hưu đúng đối tượng, đúng quy định.
Việc mỗi người dân nâng cao ý thức cảnh giác trong việc bảo vệ thông tin cá nhân là cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng cần nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 21-7-2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đồng chí Thượng tá Phí Đức Hòa, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Tuyệt đối không đăng nhập vào đường link lạ và cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân bừa bãi; không cung cấp mã OTP cho người khác; đọc kỹ các điều khoản trước khi sử dụng các dịch vụ; cài đặt mật khẩu mạnh cho các ứng dụng và đăng xuất sau khi sử dụng dịch vụ.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nắm vững nội dung quy định về bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu cũng như các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan. Khi phát hiện dữ liệu cá nhân bị sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần thông báo đến cơ quan, tổ chức lưu trữ, xử lý dữ liệu cá nhân như ngân hàng, cơ sở y tế, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông... nhằm kịp thời ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết