Hiện, dư luận quốc tế lo ngại, những mâu thuẫn nếu không nhanh chóng được giải quyết sẽ khiến cho mối quan hệ vốn đang “đóng băng” giữa Nga và các nước phương Tây sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Quân đội Nga được điều động tới gần biên giới với Ukraine.
Theo Hãng tin ABC, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận về các biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin có hành động quân sự chống lại Ukraine. Điều này bao gồm kế hoạch hỗ trợ an ninh hơn nữa cho Kiev và gia tăng các lệnh trừng phạt mới đối với Mátxcơva. Nhiều nước phương Tây đã đồng loạt ra cảnh báo nhằm vào Nga.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đặc biệt quan ngại đối với sự hiện diện quân sự của Nga. Trong khi đó, ngày 15-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger hối thúc Nga cần kiềm chế ở khu vực biên giới với Ukraine. Đại diện Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, nước này đang theo dõi các hoạt động quân sự của Mátxcơva. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas cũng cảnh báo Mátxcơva về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu như tiếp tục có những hành động gây hấn. Hai nước lấy làm tiếc khi Nga từ chối tham gia đàm phán trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) nhằm giải tỏa căng thẳng.
Hiện Nga vẫn bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đang có động thái gây hấn nhằm vào Ukraine. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, việc tập trung binh sĩ tại biên giới giữa hai nước là một thông điệp Mátxcơva đưa ra để cảnh báo nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông và tiến sát tới biên giới nước Nga.
Những tuyên bố gần đây của Mỹ về triển vọng kết nạp Ukraine vào NATO cùng với việc Ukraine sử dụng thiết bị bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO - sản xuất ở Donbass là những dấu hiệu đáng báo động. Đối với Tổng thống V.Putin, viễn cảnh các lực lượng NATO ở trên đất Ukraine là một kịch bản khó có thể chấp nhận, đe dọa tới lợi ích chiến lược cũng như an ninh của nước Nga.
Hãng tin ABC cho hay, Nga đã điều động binh sĩ tới khu vực biên giới với Ukraine từ khoảng tháng 9-2021, thời điểm nước này cùng Belarus tổ chức tập trận quy mô lớn. Theo thống kê, giai đoạn đỉnh điểm của hoạt động quân sự kéo dài 3 tháng này, số binh sĩ của Nga lên tới 200.000 người. Sau khi kết thúc tập trận, Nga không thu toàn bộ quân về mà triển khai một phần tới biên giới với Ukraine.
Dư luận thế giới lo ngại, căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Ngày 15-11, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhận định, tình hình biên giới giữa nước này với Nga đang xấu đi nghiêm trọng, đồng thời khẳng định, Kiev sẽ thúc đẩy việc xây dựng căn cứ hải quân trước những lo ngại về các hoạt động tăng cường lực lượng từ phía Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết, Kiev sẽ tăng cường hoạt động xây dựng căn cứ hải quân ở cảng Berdyansk để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ Biển Azov.
Có nguồn tin cho hay, Nga vẫn tiếp tục điều động thêm xe tăng, pháo tự hành và binh lính đến các khu vực gần Ukraine. Lần gần đây nhất, Nga điều động binh sĩ và khí tài quy mô lớn tới gần biên giới với Ukraine là vào tháng 4-2021. Điện Kremlin chỉ rút lực lượng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng thống V.Putin và đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6-2021.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, các bên liên quan nên sớm ngồi vào bàn đàm phán nhằm tránh gia tăng tình trạng bất ổn cho an ninh khu vực cũng như thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết