Theo Cục An toàn thực phẩm, qua số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, hằng năm, vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (như: Nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..), trong đó, đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù đã được cứu chữa kịp thời.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, đặc biệt là do nấm độc và các loại hoa quả rừng…, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 278/ATTP-NĐTT ngày 15-2-2023 đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm. Trong đó, tập trung đến các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng.
Cụ thể, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc ̣như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ...; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến bảo đảm an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương; tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.
Không sử dụng nấm khi chưa biết rõ nguồn gốc (ảnh minh họa)
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý người dân, không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc. Khi chế biến thực phẩm, người dân cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Với các loại nấm, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
- Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.
- Vỏ củ cải trắng có độc tố furocoumarins. Để tránh độc, khi ăn củ cải, cần gọt bỏ sạch vỏ, nấu chín, nướng, gia nhiệt trong lò vi sóng, củ cải sẽ hết độc.
- Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt đậu, lạc đã bị mốc, thâm đen.
- Xyanua là chất gây độc trong măng, do vậy, khi ăn măng tươi phải ngâm, rửa kỹ trong nước nhiều giờ và luộc bỏ nước nhiều lần trước khi chế biến.
- Trong sắn cũng có chất độc xyanua. Để loại bỏ chất độc, khi muốn ăn sắn phải bóc vỏ, ngâm nước lạnh nhiều giờ trước khi chế biến.
Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết