Muôn hình vạn trạng
Trong đơn tố giác gửi Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm và Trật tự xã hội (Công an tỉnh), chị P.T.T, trú tại bản Piát, xã Thổ Bình (Lâm Bình) trình báo, cuối tháng 12-2022, chị tham gia Telegram và được mời tham gia làm nhiệm vụ tăng tương tác bán hàng cho hệ thống trang Tiki.vn (giả mạo) và lần lượt thực hiện các nhiệm vụ làm thêm.
Ban đầu, chị T. được giao nhiệm vụ chuyển số tiền hơn 4 triệu đồng, lần 2 được giao nhiệm vụ chuyển số tiền hơn 10 triệu đồng, lần 3 chuyển hơn 25 triệu đồng và nhiệm vụ cuối cùng chuyển hơn 80 triệu đồng để nhận lại tiền gốc. Tuy nhiên, khi đã chuyển hơn 80 triệu đồng, chị T. được thông báo không hoàn thành nhiệm vụ do quá thời gian và được đề nghị tăng ca lần 1 chuyển thêm 150 triệu đồng để tăng ca lần 1 và 250 triệu đồng để tăng ca lần 2, hoàn thành sẽ được nhận lại tiền gốc. Quá mụ mị và tiếc số tiền đã chuyển, chị T. tiếp tục chuyển tiền để chờ hệ thống phân loại toàn bộ tiền gốc và lãi.
Hiện chị T. đã chuyển trên 521 triệu đồng vào 2 số tài khoản của người mang tên NguyenDinhThinh và NguyenTanThinh nhưng vẫn chưa nhận được tiền gốc, chưa nói đến tiền lãi. Không dừng lại, các đối tượng này vẫn tiếp tục đề nghị chị T. chuyển số tiền 206 triệu đồng để hoàn thiện tất cả số tiền gốc đã chuyển, hệ thống đang gia hạn thời gian nộp lại đủ tiền để nhận lại số tiền gốc. Đến lúc này, chị T. mới biết mình đã bị lừa.
Đầu năm 2023, chị N.T.X., xã Thái Sơn (Hàm Yên) đến phòng giao dịch Agribank Hàm Yên làm thủ tục chuyển tiền vào số tài khoản nhận 94095011443 tại ngân hàng TP Bank để nhận quà từ nước ngoài gửi về. Đây là người bạn chị X. mới quen qua mạng xã hội, tự nhận là người Mỹ, trước đó bày tỏ tình cảm với chị X, đồng thời mong muốn được gửi quà cho chị X. với điều kiện chị X. phải chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản 94095011443 để được nhận lại quà trị giá 50 triệu đồng và 50 nghìn USD. May mắn là khi đến chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Yên để chuyển tiền, cán bộ tín dụng thấy dấu hiệu bất thường đã ngăn chặn kịp thời.
Nhân viên chi nhánh Agribank Lâm Bình ngăn chặn nhiều vụ chuyển tiền nghi do lừa đảo.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn, các hình thức lừa đảo Online đã gia tăng rất nhanh. Thời điểm mới phát đi cảnh báo, chỉ có 5 hình thức chính, sau tăng lên 16 hình thức và đến thời điểm này là 24 hình thức với 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Nổi lên trong số này là Lừa đảo Combo du lịch giá rẻ, Lừa đảo cuộc gọi Video Deepfake, Deepvoice; Lừa đảo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Giả danh công ty tài chính, ngân hàng; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên Online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; Giả danh cơ quan công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng; lừa đảo cho số đánh lô, đề...
Đồng chí Hoàng Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết, các hình thức lừa đảo này hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, các trang web - App mạo danh cơ quan như thuế, ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng mức độ, tần suất liên tục với mục đích lừa đảo về việc ủy quyền đóng thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp; đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng... Các cơ quan chức năng liên tục phát thông tin để cảnh báo người dùng.
Để không sập bẫy
6 tháng đầu năm, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 38% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Để không sập bẫy cơ quan chức năng khuyến cáo - Người dân tuyệt đối không vay tiền qua các app. - Không công khai thông tin cá nhân trên mạng, cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan. - Thực hiện các biện pháp bảo mật tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. - Không hám lợi. Xác minh kỹ nội dung trước khi chuyển tiền cho người khác. - Cung cấp thông tin, tố giác tội phạm với cơ quan Công an để xử lý. |
Tại Tuyên Quang, số vụ tội phạm liên quan đến công nghệ cao được phát hiện, triệt phá trên địa bàn cũng có chiều hướng tăng về số vụ, tính chất hành vi phạm tội.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố, thụ lý điều tra 23 vụ, 52 bị can phạm tội liên quan đến công nghệ cao, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng 13 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 7 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 1 vụ, cưỡng đoạt tài sản 1 vụ, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng 1 vụ.
Đơn vị cũng tiếp nhận, xác minh, giải quyết 24 đơn tố giác, trình báo liên quan đến tội phạm công nghệ cao, tập trung vào 2 hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Đáng chú ý, theo đồng chí Hoàng Minh Tuấn, thời gian gần đây, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đang tập trung thực hiện là lừa lấy số tiền nhỏ, chỉ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Mục đích là để nạn nhân thấy số tiền nhỏ, ngại phiền phức mà không tố giác, không trình báo.
6 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời 15 giao dịch lừa đảo người dân chuyển tiền với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là Agribank Chi nhánh Tuyên Quang ngăn chặn 9 vụ, số tiền trên 1,4 tỷ đồng, BIDV Tuyên Quang ngăn chặn 2 vụ, số tiền là 300 triệu đồng, Liên việt Postbank Chi nhánh Tuyên Quang ngăn chặn 4 vụ, số tiền khoảng 130 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền cũng được các lực lượng, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện. Trong đó, riêng Công an tỉnh đã phát tờ tuyên truyền, cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến và biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đến 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cũng tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền thường xuyên trong các buổi họp, sinh hoạt... để người dân nắm, biết và tránh rơi vào bẫy.
Đồng chí Hoàng Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: một trong những lý do khiến số nạn nhân của các vụ lừa đảo Online không ngừng tăng trong thời gian gần đây là do các đối tượng chủ yếu đánh vào lòng tham, như: không phải làm việc nhiều mà vẫn có tiền, mua được món hàng giá rẻ hay nhận quà, tiền từ người mới quen...
Đáng chú ý, các loại tội phạm sử dụng không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu thế dịch chuyển từ khu vực thành thị về các vùng nông thôn ngày càng rõ rệt. Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm trên không gian mạng để tuyên truyền cho người dân, nhưng vẫn rất nhiều người còn chủ quan, có tâm lý hám lợi và chưa nắm được các phương thức, thủ đoạn.
Thêm vào đó, đa số các dữ liệu máy chủ mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội đều ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên việc điều tra của cơ quan chức năng còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn gia tăng nạn nhân lừa đảo Online, cần sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan như viễn thông, ngân hàng trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng sim rác, tài khoản ngân hàng rác.
Vì lâu nay, mặc dù việc kiểm soát, đăng ký tài khoản ngân hàng, sim điện thoại đã được kiểm soát, nhưng vẫn tồn tại nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng lập, đăng ký tài khoản không chính chủ để phục vụ cho hoạt động phạm tội. Năm 2022, Công an Tuyên Quang đã làm rõ, các đối tượng đã mua bán hơn 2.000 tài khoản ngân hàng - những tài khoản này chủ yếu được sử dụng vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công an xã Thành Long (Hàm Yên) tuyên truyền cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo. Ảnh: Lý Thịnh
Mới đây Công an tỉnh cũng đã phát đi cảnh báo về việc một số đối tượng rao mua, bán, thuê, cho thuê thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng. Đa số những tài khoản thanh toán không chính chủ sẽ được sử dụng cho mục đích luân chuyển dòng tiền trong các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng.
Tuyên Quang hiện có hơn 560 nghìn thuê bao di động. Trong số này, đã có 14 nghìn thuê bao chuẩn hóa thông tin. Trong 2 năm 2022, 2023, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện 2 cuộc thanh tra diện rộng đối với 4 đơn vị kinh doanh viễn thông trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng đối với một doanh nghiệp viễn thông khi phát hiện thông tin đăng ký thuê bao không trùng với thông tin người sử dụng…
Đồng chí Lê Trung Dũng, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, cùng với việc thanh tra diện rộng các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị cũng tập trung thanh tra các tổ chức, cá nhân sở hữu nhiều thuê bao di động, làm rõ mục đích sử dụng. Thanh tra sở yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông theo dõi sát các tổ chức, cá nhân này, đảm bảo việc sử dụng thuê bao di động đúng mục đích.
Từ ngày 1-7-2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ ban hành có hiệu lực. Đây là căn cứ pháp lý mạnh để góp phần giải quyết bài toán căn cơ, xử lý triệt để các tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Hy vọng rằng, với các giải pháp đồng bộ, lừa đảo Online sẽ không còn đất sống.
Trần Liên
Thượng tá Đỗ Mạnh Phú
Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh
Cần báo ngay cho cơ quan Công an khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo
Hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường cảnh báo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mắc bẫy lừa đảo.
Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn sớm, xử lý kịp thời. Đồng thời, khi đã bị lừa đảo, người dân cần sớm đi trình báo, cung cấp thông tin phối hợp cùng lực lượng Công an điều tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng lừa đảo.
Luật sư Vũ Trung Kiên
Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Kiên
Thủ đoạn không ngừng biến tướng
Các thủ đoạn không ngừng biến tướng gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Trong khi đó, khung hình phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe. Việc xử lý nghiêm cũng như tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa với các đối tượng lừa đảo này trong thời gian tới là điều rất cần thiết. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh việc rà soát để khắc phục, các cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn đến hệ thống website, cổng thông tin của mình, đảm bảo an ninh mạng; nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng với các ứng dụng, đường link tràn lan trên mạng internet và các nền tảng mạng xã hội; không vay tiền qua các ứng dụng di động trên không gian mạng, tránh nguy cơ bị lộ thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân để các đối tượng lừa đảo có cơ hội thực hiện hành vi vi phạm.
Đồng chí Lê Hồng Việt
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân (Yên Sơn)
Tăng cường các hình thức tuyên truyền
Thời gian qua, UBND xã chỉ đạo lực lượng công an xã, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức, lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật như: phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; những phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết và cách phòng tránh với loại tội phạm này; tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân…
Công tác tuyên truyền cần kết hợp nhiều hình thức để người dân dễ tiếp cận với tần suất thường xuyên để đảm bảo hiệu quả như: tuyên truyền trên trang fanpage, youtube và các nhóm zalo; tuyên truyền trực tiếp tại hội nghị, các buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tự quản…
Chị Đào Thị Tuý
Kiểm soát viên, Ngân hàng LPBank Tuyên Quang
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo qua mạng, người dân cần chủ động bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và luôn cảnh giác trước tin nhắn, số điện thoại lạ. Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung chuyển tiền, phòng trường hợp đối tượng giả mạo người thân, bạn bè để lừa đảo. Đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình và tài khoản của người nhận, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, hỗ trợ, giải đáp.
Gửi phản hồi
In bài viết