Tuy nhiên cũng trong thời điểm này, các thế lực phản động, cơ hội chính trị lại ra sức tìm mọi cách để xuyên tạc, chống phá. Một trong những nội dung chúng tập trung công kích là tính dân chủ trong bầu cử. Chúng cho rằng cuộc bầu cử của chúng ta chỉ là hình thức, vì vậy nhân dân không nên đi bầu cử. Đây là chiêu trò không mới, nhưng chúng ta phải hết sức cảnh giác đấu tranh.
Thực tiễn quá trình lãnh đạo của Đảng ta cho thấy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6-1-1946 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử. Trong đó, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng nhất của công dân. Điều 27, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Đảng và Nhà nước ta đã có các biện pháp bảo đảm để các dân tộc thiểu số và phụ nữ có tỷ lệ thích đáng trong bộ máy. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp bảo đảm để cử tri lựa chọn được người có đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước thông qua lá phiếu của mình. Nguyên tắc bỏ phiếu kín đảm bảo tính khách quan của bầu cử, cử tri được tự do lựa chọn, không phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về tính dân chủ trong bầu cử, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Bầu cử các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Từ đó động viên cử tri tự giác, tích cực, chủ động tham gia bầu cử. Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm hạt nhân trong việc tuyên truyền, định hướng cho nhân dân nhận diện rõ bản chất sai trái, xuyên tạc, bịa đặt về tính dân chủ trong bầu cử, từ đó cảnh giác với những thông tin xấu độc liên quan đến bầu cử do các thế lực thù địch, phản động tung ra, hạn chế ảnh hưởng của những thông tin sai trái, giúp nhân dân tiếp cận những thông tin chính thống, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Gửi phản hồi
In bài viết