Gần đây có không ít cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật bị phát hiện và xử lý. Điều đó phần nào cho thấy có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa trung thực đang lẫn trong số đông.
Trung thực là tính từ để chỉ phẩm chất có ở mỗi người. Đó là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật, thành thực với chính mình, mọi người và công việc. Trung thực chính là tôn trọng lẽ phải, không dối trá từ lời nói đến hành vi. Hiểu đơn giản người trung thực là người không biết nói dối, sẵn sàng dũng cảm nói lên sự thật và nhận lỗi khi phạm sai lầm. Người có tính trung thực là người luôn sống và hành động theo chân lý, lẽ phải, không mưu cầu lợi lộc.
Đối với cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào thì phẩm chất trung thực cũng rất quan trọng và tối cần thiết và được xem là trung tâm của các công việc, từ tham mưu thiết kế, xây dựng chủ trương, kế hoạch cho đến triển khai thực hiện rồi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm... Trong tất cả các công đoạn của công việc, cán bộ, đảng viên phải trung thực tuân thủ pháp luật, tuân thủ nguyên tắc, quy trình, quy phạm trong thu thập thông tin, trong sử dụng nguồn lực tài chính, huy động nhân lực triển khai...
Phẩm chất trung thực của cán bộ, đảng viên phát triển thành văn hóa sẽ được ví như gốc của cây, móng của ngôi nhà. Gốc vững, rễ sâu thì cây phát triển còn móng không chắc thì ngôi nhà khó đứng vững theo thời gian. Cán bộ, đảng viên không chỉ trung thực, thành thật để được đứng trong hàng ngũ của Đảng; để cống hiến, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng mà còn trung thực cả trong thực thi Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; trung thực trong nhận nhiệm vụ, báo cáo về phương thức, kết quả thực hiện nhiệm vụ đó với Đảng. Cán bộ, đảng viên cũng phải trung thực cung cấp thông tin về các mối quan hệ, cũng như thu nhập và tài sản của mình và gia đình với tổ chức.
Đặc trưng nổi bật ở cán bộ, đảng viên là những người có kiến thức, tri thức; có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cao đẹp; có phẩm chất đạo đức trong sáng. Do công tác, làm việc trong lĩnh vực công, nên các quyết định của cán bộ, đảng viên trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tập thể trong xã hội. Bởi vậy, nếu không trung thực, cán bộ, đảng viên dễ bị chủ nghĩa cá nhân lấn át, dẫn đến các hành vi như khai man học vấn, báo cáo thiếu trung thực, khen thưởng không đúng đối tượng. Thậm chí có trường hợp nhắm mắt làm liều, làm sai, bao biện... khiến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp không được thực hiện công bằng, khách quan. Cá biệt có trường hợp không trung thực, không xác định rõ trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, câu kết đục khoét ngân sách nhà nước bằng các thủ đoạn tinh vi.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời kỳ truyền thông phát triển như vũ bão trên nền tảng của internet, mạng không dây và thiết bị thông minh. Thông tin xấu và tốt bùng nổ đan xen. Trước bối cảnh này, phẩm chất trung thực trong cán bộ, đảng viên càng cần thiết, cấp bách hơn và cần phát triển trở thành trung tâm trong mọi hành vi của cán bộ, đảng viên. Bởi một quyết định của cán bộ, đảng viên với một cá nhân, tập thể đều lan truyền rất mạnh trong xã hội. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng văn hóa trung thực trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mức các yếu kém để có biện pháp khắc phục.
Muốn xây dựng văn hóa trung thực, trong lãnh đạo, quản lý, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện đúng nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát là: “Theo đúng đường lối nhân dân” và làm tốt 6 điều: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Tự mình phải gương mẫu cần kiệm, liêm chính để nhân dân noi theo.
Gửi phản hồi
In bài viết