Ở xã vùng sâu, vùng xa Tri Phú (Chiêm Hóa) người dân đã quen với hình ảnh Bí thư Đảng ủy Triệu Phúc Phương ngoài giờ làm việc thường rong ruổi xe máy đến các bản làng thăm hỏi đời sống, sản xuất của bà con. Anh Phương bảo, bà con dân bản chịu khó lao động nhưng nhiều người chưa có cách làm hiệu quả. Hơn 20 năm là cán bộ xã, rồi làm lãnh đạo xã, anh luôn tìm tòi, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả ở nhiều nơi và thực hiện trước để người dân học tập, làm theo.
Bí thư Đảng ủy xã Tri Phú Triệu Phúc Phương (đầu tiên bên phải) gặp gỡ, trò chuyện với người dân.
Những mô hình mới chưa từng có ở địa phương như nuôi ốc nhồi thương phẩm, trồng cây bời lời, cây giang lấy lá... đã được Bí thư Đảng ủy xã Triệu Phúc Phương đích thân thực hiện. Sự nêu gương ấy đã khích lệ hàng trăm hộ trong xã học tập theo. Bí thư Đảng ủy cũng tận tình hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc... “Nhờ học tập những mô hình kinh tế của Bí thư Đảng ủy mà nhiều hộ dân trong xã đã có nguồn thu nhập ổn định, năm ngoái cả xã có gần 30 nhà xây nhà mới. Bản làng đổi mới nhiều nhờ bản lĩnh và sự tiên phong của của Bí thư Đảng ủy Triệu Phúc Phương đấy” - Anh Đào Văn Giàng, thôn Lăng Quăng chia sẻ.
Ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) chủ yếu là người Mông và người Dao sinh sống. Thôn có độ cao 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch. Chủ trương phát triển du lịch được xã đề ra từ lâu, nhưng do đường sá đi lại khó khăn, đời sống người dân Cao Đường còn nghèo, khách du lịch mặc dù thích thú với vùng đất này, nhưng vì ở thôn không có cơ sở lưu trú, không chỗ ăn nghỉ nên... "ngại" ghé thăm mảnh đất này. Đảng viên cao tuổi nhất thôn - ông Giàng Seo Sàng, dân tộc Mông trong một buổi họp chi bộ đã đứng lên đề xuất chi bộ cần xây dựng nghị quyết, lãnh đạo phát triển du lịch, đảng viên trong thôn phải là những người tiên phong thực hiện.
Sau buổi ấy, ông Sàng là người đầu tiên cải tạo nhà ở để làm homestay đón du khách ở Cao Đường. Nhiều hộ tỏ ra e ngại, bởi thôn ở xa như vậy, liệu có ai đến du lịch. Để khách đến có nơi trải nghiệm, check-in, ông Sàng trồng hoa, cải tạo khuôn viên. Mới đầu là khách trong xã, trong huyện, giờ Cao Đường đã bắt đầu đón những đoàn khách trong, ngoài tỉnh. Thấy ông Sàng làm homestay hiệu quả, trong thôn nay có 7 hộ đăng ký làm homestay để phát triển du lịch. Một hướng đi mới để thoát nghèo đang dần mở ra ở Cao Đường.
Không chỉ lo việc làng, việc xã, nhiều đảng viên ở Tuyên Quang còn phát huy vai trò nêu gương, góp sức mình vì việc chung, việc lớn hơn. Với họ, được góp sức mình vào việc chung chính là hiện thực hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm...”. Năm 2023, xã Quý Quân (Yên Sơn) được phê duyệt chủ trương mở rộng và bê tông hóa con đường từ trung tâm xã đến thôn 5 theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện trạng mặt đường nhỏ hẹp không đủ để thi công, do vậy phải vận động nhân dân hiến đất. Ông Nguyễn Văn Thực là hộ đã tiên phong hiến gần 1.000 m2 đất trồng cây ăn quả, trị giá trên 130 triệu đồng để làm đường. "Là một đảng viên, tôi thấy mình cần phải tiên phong hiến đất để các hộ cùng đồng thuận triển khai. Có đường, nông sản của người dân không còn lo bị ép giá" - Ông Thực bày tỏ.
Ghi nhận ở khắp các địa phương trong tỉnh, bên cạnh việc gương mẫu đi đầu, nhiều đảng viên và các gia đình đảng viên đều là những nhân tố tích cực tạo nên sự đổi thay ở bản làng. Tuy mỗi người có phương pháp làm việc riêng để phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của quê hương, dân tộc mình, nhưng điểm chung ở họ là đều khắc sâu những lời Bác căn dặn, luôn “lấy dân làm gốc”, “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Gửi phản hồi
In bài viết