Chăm lo đời sống người cao tuổi

- Những năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi (NCT) trong tỉnh luôn tích cực chăm lo đời sống cho NCT, phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” của NCT đối với gia đình và xã hội. Qua đó, tạo điều kiện để NCT được cống hiến vào các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương và sống vui, sống khỏe.

Theo Ban đại diện Hội NCT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 94.133 NCT, trong đó có 84.440 hội viên hội NCT các cấp. Để NCT được chăm sóc toàn diện, hàng năm các chương trình tư vấn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà được các hội, đoàn thể và các ngành chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã phối hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn, bệnh viện thực hiện chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ cho 40.741 NCT; thăm hỏi, tặng 4.859 suất quà, 275 chăn ấm cho NCT có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 1,2 tỷ đồng; tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 11.483 NCT; cấp 83.727 thẻ BHYT cho NCT và 15.174 NCT được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội...

 Hội viên Chi hội người cao tuổi tổ dân phố Làng Chẩu, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong cuộc sống.

Sôi nổi và phát triển nhất là phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của NCT. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 619 câu lạc bộ NCT về thơ, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn thu hút trên 18 nghìn NCT tham gia. Thông qua các hoạt động đã tạo sân chơi bổ ích, tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên. Bà Nguyễn Minh Sơn, 69 tuổi, hội viên NCT phường An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết, việc tập thể dục thường xuyên không những giúp bản thân khỏe hơn mà còn phòng ngừa được bệnh tật. Hàng ngày, cứ 5h30 bà lại tham gia tập thể dục dưỡng sinh với các thành viên trong CLB. Các bài tập với những động tác di chuyển tay chân, nhịp thở yêu cầu sự khéo léo, dẻo dai rất phù hợp với thể trạng NCT. Đây là những bài tập giúp khí huyết lưu thông, cơ thể ngày càng khỏe mạnh, cải thiện được bệnh đau cột sống của người già. Mỗi buổi tập cũng là dịp để các bà giao lưu, trò chuyện, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả có thể kể đến hoạt động của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Đến nay, Hội NCT tỉnh đã phát triển và nhân rộng 18 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với 980 hội viên hoạt động tích cực. CLB đã trở thành điểm tựa giúp đỡ cho nhiều NCT khó khăn được tiếp cận về vốn, kinh nghiệm cũng như cải thiện tinh thần. Nhiều NCT từ đó đã mạnh dạn tham gia lao động sản xuất, động viên con cháu đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại như hội viên các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau: thôn 2, xã Lang Quán (Yên Sơn); thôn Khổng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương); khu B, xã An Khang (TP Tuyên Quang)...

 Người cao tuổi được khám mắt, điều trị đục thủy tinh thể tại Bệnh viện đa khoa Phương Bắc.

Bà Lê Thị Thức, Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn 2, xã Lang Quán (Yên Sơn) nói, được thành lập năm 2020 với 50 thành viên, trong đó có 80% là NCT. Qua các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm nắm tình hình sức khỏe, hoàn cảnh từng người, kịp thời thăm hỏi, động viên các hội viên cao tuổi khi ốm đau. Hoạt động tăng thu nhập thông qua quỹ của CLB đã giúp nhiều NCT phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế. Qua 2 năm, đã có 19 lượt thành viên được vay vốn phát triển sản xuất với mức vay 5 triệu đồng/người với lãi suất thấp. Nhiều hội viên như bà Phạm Thị Hường sau khi vay vốn đã đầu tư chăn nuôi gà, ổn định cuộc sống, hiện bà đã trả hết vốn vay; bà Nguyễn Thị Thái đã đầu tư mua phân bón và giống cây trồng, đến nay bà đã phát triển trên 400 gốc cam, bưởi và thường xuyên được cập nhật kiến thức mới trong trồng trọt. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã góp phần giảm được 2 hộ nghèo trong thôn, 100% thành viên CLB đạt gia đình văn hóa hàng năm.

Bà Hà Thị Ngọ, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh nói, hướng tới Ngày quốc tế NCT 1-10 và Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chung tay chăm sóc NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn”, Ban đại diện Hội NCT tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong thực hiện Luật NCT; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách, chế độ đối với NCT, đảm bảo 100% NCT cô đơn, không nơi nương tựa, NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thăm hỏi, chăm sóc thường xuyên. Theo đó, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần sẽ được chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội NCT các cấp tổ chức thực hiện như: gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà, các hoạt động văn nghệ thể thao; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho NCT; khám sức khỏe cho NCT có hoàn cảnh khó khăn; tư vấn, động viên, chăm sóc NCT cô đơn tại trung tâm bảo trợ xã hội...

Chăm sóc và phát huy vai trò NCT không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành mà của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng. Qua đó thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục